Trong những bài viết mà tôi từng đọc, người tạo động lực thường được cho là chịu nhiều thách thức, khó khăn. Tôi hình dung những giáo viên, họ tham gia lớp học ngày này qua ngày khác với một niềm hứng khởi tuyệt vời, một nụ cười thường trực, một chút hăng hái và luôn tràn đầy năng lượng. Trong nhiều năm qua, tôi đã học được rằng tôi càng trở nên hào hứng với việc dạy và học bao nhiêu thì học sinh của tôi cũng sẽ như vậy. Vậy đâu là chìa khóa để tạo động lực cho học sinh?
Động lực được định nghĩa là “mong muốn nói chung hoặc sự sẵn lòng làm việc gì của một ai đó”. Chú ý các từ MONG MUỐN, SỰ SẴN LÒNG và LÀM VIỆC GÌ ĐÓ! Những từ đó không được dùng như chúng ta thường thấy trong các yêu cầu ở lớp học. Ít nhất là không theo phương pháp giáo dục. Chắc hẳn họ mong muốn được nói chuyện với bạn bè, họ sẵn lòng tỏ ra ngốc nghếch hoặc có thêm giờ giải lao, họ cũng luôn sẵn sàng làm điều gì đó không được yêu cầu trong nhiệm vụ nhưng lại láu cá cố tình dùng những từ đã in đậm với nội dung hoặc kĩ năng mới.
Vậy làm sao tôi tạo được động lực học tập cho học sinh? Đơn giản là tôi cố gắng bám sát định nghĩa của từ. Tôi tạo ra một mong muốn được hiểu biết, một sự sẵn lòng để thử và cơ hội để làm điều gì đó.
- Cách tôi tạo ra mong muốn
Trước mỗi tiết học hoặc trước khi dạy một kĩ năng mới, một “mong muốn được hiểu biết” là cần thiết. Một cách tôi rất thích để tạo ra mong muốn, đó là viết “Bạn có biết?” lên bảng và liệt kê một thông tin liên quan đến bài học. Ví dụ, tôi bắt đầu bằng một đơn vị kiến thức trong hệ thống biểu tượng hoặc bối cảnh của nước Mỹ. Để giới thiệu đơn vị đó, tôi viết câu hỏi “Bạn có biết?” lên bảng kiểu như “Bạn có biết nước Anh đã bắt giam một người đàn ông mà sau này ông ấy được cả thế giới biết đến nhờ một bài thơ?” Tôi dán một bức tranh vẽ người tù (Francis Scott Key) dưới câu hỏi “Bạn có biết?”. Tôi không chỉ khơi gợi mong muốn được biết người đàn ông đó là ai, mà còn giúp học sinh miêu tả người đó và giai đoạn lịch sử mà bức tranh này được trưng bày. Tôi tạo ra mong muốn, khát khao tìm kiếm cái mới. Dưới đây là những cách khác để tạo ra mong muốn được biết:
– Hỏi hoặc tung ra một câu đố
– Những câu hỏi nhỏ gửi qua email vào tối hôm trước sẽ khiến học sinh tham gia
– Tranh ảnh của người, địa điểm hoặc những sự vật, sự kiện với những câu trích dẫn hoặc câu hỏi liên quan
– Âm nhạc hoặc thậm chí một cuộc cách mạng
– Câu hỏi “Nếu… thì?”
– Câu hỏi “Ai đã nói…?”
– Trích đoạn phim (Youtube là công cụ hữu ích)
– Sách tranh, trích đoạn từ các câu chuyện nổi tiếng hoặc trích lời tác giả
Những phương pháp này đều rất tuyệt vời cho tiết học của bạn. Tất cả những gì bạn cần là một chút sáng tạo để lôi kéo sự chú ý của học sinh. Một khi có được sự chú ý, bạn có thể tiến tới khơi gợi được sự sẵn sàng của học sinh hoặc duy trì sự chú ý (nếu bạn thích nghĩ về điều đó) để học sinh học được nhiều hơn.
- Cách tôi tạo sự sẵn sàng để tập trung chú ý
Tôi nhận ra điều này sẽ dễ hơn một khi tôi tạo được mong muốn hiểu biết. Ví dụ như bức tranh Francis Scott Key mà tôi dán dưới câu hỏi “Bạn có biết?”. Một khi học sinh muốn biết câu trả lời và chúng ta nói về bức tranh, tôi có thể dẫn dắt họ đến với bài học. Từ phần dẫn nhập dài 5 phút đó, tôi có được sự chú ý của học sinh và họ sẵn sàng tiếp tục khám phá nhiều hơn.
Những phương pháp khác để duy trì sự chú ý:
Thường xuyên đi quanh lớp. Trong khi tôi giảng bài, tôi di chuyển. Điều này có mục đích kép đối với tôi, 1) tôi có thể nhận ra ai đang chú ý vì họ chuyển động mắt hoặc đầu theo hướng tôi đi quanh lớp và 2) điều đó cho phép tôi nhẹ nhàng nhắc nhở bất kì sự mất trật tự nào với một cái chạm nhẹ, một cái gõ bàn hoặc gõ nhẹ bút chì.
Khi đọc, giải một bài toán trên bảng hoặc đặt câu hỏi, hãy ngẫu nhiên chọn một ai đó. Tôi làm điều này bằng cách chọn một que kem ghi tên học sinh trong lọ.
Để học sinh làm giáo viên. Khi bạn biết mình đã có được sự chú ý của học sinh, để đánh giá độ hiểu của họ và duy trì sự tập trung trong lớp, hãy cho họ được diễn giải hoặc trở thành giáo viên.
Cho học sinh một khoảng nghỉ trước khi học tiếp bài mới hoặc thậm chí giữa một tiết học dài. Năm nay, tôi bắt đầu sử dụng các khoảng nghỉ của não (tìm hiểu thêm trên Pinterest) và lũ trẻ rất thích chúng. Tôi có thể giành được sự chú ý của học sinh lâu hơn vì họ biết họ sẽ có cơ hội nghịch ngợm ít nhất là 2-3 phút.
“Kịch” một tí. Đừng lo lắng nếu có hơi “diễn sâu” một chút khi đang dạy. Cười, tỏ ra ngốc nghếch. Hãy cho học sinh thấy rằng bạn đang vui. (Sẽ ổn thôi nếu vui chơi trong lớp!)
- Để học sinh làm điều gì đó
Cho phép học sinh hoạt động sôi nổi trong quá trình học tập của họ. Tuần trước, chúng tôi học về “khối lượng riêng” và tôi nhận thấy một vài ánh mắt “vô hồn” không hứng thú. Tôi biết tôi đã “đánh mất” những em học sinh đó. Thay vì dạy tiếp, tôi lấy những chai rỗng từ thùng rác tái chế ra và cho học sinh lấy nước từ vòi nước vào. Bởi vì tôi không nói cho họ biết tất cả đang làm gì, tôi có được sự chú ý hoàn toàn của họ. Sau đó, tôi mang một chai dầu thực vật đi quanh lớp. Tôi yêu cầu học sinh nhìn vào cả chai dầu và chai nước. Họ nghĩ chai nào có “khối lượng riêng” ớn hơn (kiểm tra lại định nghĩa)? Họ bày tỏ ý kiến và sau đó, tôi tiếp tục bằng cách cho mỗi học sinh rót một ít dầu vào chai nước, vặn nắp và lắc mạnh. Kết quả, dầu nổi lên trên bề mặt nước kể cả sau khi đã bị trộn. Họ đã học được gì? Thứ họ học được không chỉ là định nghĩa về tỷ trọng mà còn là một ví dụ họ có thể nhìn và sờ. Họ học thông qua thực hành. Những cách khác để khuyến khích học sinh làm điều gì đó:
Cho phép họ tham gia thảo luận nhóm. Tất nhiên bạn có thể giám sát một chút nhưng điều này cho họ thấy sự cần thiết phải tập luyện “võ mồm”.
Tạo ra các dự án cá nhân hoặc cộng tác cho học sinh nâng cao tinh thần học tập như:
– Nhập vai
– Viết các bài luận hoặc bài báo ngắn
– Vẽ hoặc thuyết trình sáng tạo
– Sử dụng Internet hoặc các công cụ công nghệ khác
Nếu nói rằng tất cả gợi ý trên đây là những phương pháp dễ thực hiện, nhanh và hiệu quả 100% thì đó là điều không chính xác. Muốn duy trì động lực của học sinh, nhất là trong thế giới công nghệ với bao điều gây xao nhãng hiện nay, cần phải động não. Tôi luôn luôn tìm tòi những phương pháp sáng tạo cho mỗi tiết học của mình. Nhiều ý tưởng thành công, nhiều cái khác thì không. Bởi vì mỗi lớp học là khác nhau, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập vì vậy không thể dùng cố định một cách. Thành công hoặc thất bại. Sự kiên trì và sẵn lòng thử những phương pháp mới giúp tôi thành công trong nhiều năm và cuối cùng, học sinh của tôi có lợi thế. Điều này tất nhiên là động lực thôi thúc tôi.
Bạn sử dụng những phương pháp gì để tạo động lực cho học sinh? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!
Đặng Thanh Hiền dịch
Nguồn: http://www.teachhub.com/3-secrets-motivating-students