Nếu được hỏi, điều gì bạn quan tâm nhất trong quá trình giảng dạy của mình? Đa phần mọi người đều cho rằng việc giảng dạy (bao gồm nội dung và phương pháp) là yếu tố then chốt nhất. Nhưng chúng ta vốn dĩ được sinh ra để làm giáo viên, nghĩa là phương pháp và nội dung là những điều mặc định bất kì ai cũng phải có. Khi đó thành công của một tiết học, đơn giản lại đến từ sự tham gia của học sinh. Nhưng làm thế nào để giáo viên có thể tạo được động lực cho người học? Dưới đây là kinh nghiệm đơn giản mà bạn có thể áp dụng để học sinh của bạn cảm thấy hứng thú hơn với việc học.

Để học sinh tham gia tích cực vào giờ học…

1. Nhớ tên học sinh và gọi tên chúng một cách thường xuyên nhất có thể.

2. Có kế hoạch chi tiết cho từng lớp học, đừng bao giờ để cho học sinh được tự ý làm những điều chúng thích.

3. Chú ý đến điểm mạnh và những giới hạn của học sinh. Khen thưởng những điểm mạnh và giúp học trò khắc phục những điểm yếu.

4. Nếu có thể hãy xếp lớp học theo hình chữ U để khuyến khích sự tương tác giữa các học sinh.

5.Đa dạng hóa các chiến thuật dẫn đắt: sử dụng lời giảng, thảo luận, nghiên cứu trường hợp, làm việc nhóm,…

6. Luôn nhắc lại mục tiêu bài học với học sinh. Chắc chắn rằng học sinh nhận thức rõ ràng điều mà chúng mong muốn được học, thực hành,…

7. Di chuyển khỏi chỗ ngồi (quanh lớp học) trong quá trình giảng dạy.

8. Biến lớp học của bạn trở nên sống động. Chắc chắn rằng học sinh nhận thức được các nội dung bạn dạy có liên quan như thế nào đến thế giới xung quanh chúng.

9. Tạo ấn tượng. Hãy cười khi có thể.

10. Hãy thể hiện sự hứng thú trong bài giảng, thay đổi giọng điệu, âm lượng, sắc thái ngôn ngữ,…

11. Đưa ra nhiều ví dụ cụ thể.

12. Khuyến khích học sinh chia sẻ quan điểm và nhận thức của chúng, thậm chí những quan điểm đó là chưa chính xác. Bạn sẽ không không bao giờ biết được những nội dung mà học sinh chưa hiểu cho đến khi bạn hỏi lại chúng.

13. Duy trì sự giao tiếp bằng mắt và hướng đôi mắt bạn đến học sinh khi bạn đang tương tác/ giao tiếp với chúng.

14. Tạo cơ hội để học sinh có thể nói trước lớp.

15. Luôn sẵn sàng mọi thời điểm: trước khi giờ học bắt đầu, trong giờ nghỉ và sau giờ học để trò chuyện, trao đổi với học sinh.

16. Chấm và trả bài kiểm tra cho học sinh sớm nhất khi bạn có thể. Đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng.

17. Luôn kiên định và thống nhất trong cách đối xử với người học.

18. Đảm bảo bài kiểm tra bạn đưa ra cho học sinh phải có liên hệ với nội dung, mục tiêu của chủ đề/ khóa học mà học sinh được học.

19. Có kế hoạch để thay đổi hoạt động trong khoảng 15 – 20 phút. Học sinh sẽ cảm thấy khó khăn để duy trì sự tập trung chú ý trong một khoảng thời gian kéo dài.

20. Để học sinh tham gia vào quá trình giảng dạy của bạn. Luôn yêu cầu chúng đưa ra các phản hồi.

 – Nguyễn Hữu Long –