Việc đánh giá đóng một vai trò quan trọng trong quá trình học tập. Ngày càng có nhiều các trường học hướng đến việc phát triển tư duy tích cực, ghi nhận sự tiến bộ và nỗ lực của người học và coi nó như công cụ hữu ích giúp các giáo viên xác định chiến thuật dạy học từ đó cả thiện được phương pháp giảng dạy, đưa đến cho người học những phản hồi mang tính cá nhân, nâng cao kết quả học tập.

Việc đánh giá quá trình đưa đến những hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể thông qua hệ thống phản hồi kịp thời trong quá trình học tập. Không giống như việc đánh giá tổng kết trong các bài kiểm tra – thường diễn ra khi kết thúc một chương, một học kì. Việc đánh giá thường xuyên được thực hiện mà không quá chú trọng đến điểm số. Nó cũng giúp giáo viên kiểm tra được mức độ nắm kiến thức của người học và sự tiến bộ của học sinh giáo viên cũng biết được học sinh đã hiểu những nội dung nào? Những nội dung nào cần phải bổ sung. Giáo viên cần điều chỉnh cách đưa hướng dẫn ra sao cho phù hợp…

Hầu hết các giáo viên đều nhận thấy rằng việc áp dụng các chiến thuật đánh giá trong lớp học có ý nghĩa quan trọng nhưng lại gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị và thực hành. 10 ý tưởng dưới đây là những ví dụ cụ thể mà các thầy cô giáo có thể áp dụng ngay vào công việc giảng dạy

  1. Vé vào cửa

Giáo viên chuẩn bị các câu hỏi trong các bài kiểm tra, viết chúng lên các tấm vé. Khi học sinh vào lớp sẽ được phát các tấm vé như vậy. Đối với kĩ thuật này giáo viên yêu cầu học sinh chia sẻ mức độ nắm kiến thức trước cả lớp.

Học sinh sẽ viết hoặc nói về những gì chúng học trong tiết học trước, chia sẻ những điều mà chúng áp dụng từ bài học vào cuộc sống, đặt ra những câu hỏi cho giáo viên… giáo viên thu lại những phản hồi của học sinh. Sau đó sử dụng những phản hồi này để trả lời những câu hỏi khi bắt đầu giờ học. Dạy lại những khái niệm quan trọng, mở rộng hơn những kiến thức học sinh còn chưa rõ, quyết định sẽ học bài mới hay tiếp tục ôn lại những kiến thức đã học.

  1. Câu hỏi mở

Hỏi các câu hỏi yêu cầu hoc sinh phải trả lời nhiều hơn là có hoặc không, khuyến khích học sinh áp dụng các kĩ năng tư duy bậc cao thêm vào đó, khi học sinh được hỏi các câu hỏi như: “Em có hiểu không?”, “Em hiểu được nội dung này chứ?” Học sinh có thể sẽ trả lời có ngay cả khi chúng cần nhiều sự giúp đỡ hơn.

Hỏi các câu hỏi mở sẽ giúp học sinh suy nghĩ sâu hơn về nội dung bài học. Giáo viên có thể sử dụng những câu hỏi này khi bắt đầu các hoạt động thảo luận theo nhóm, brainstorming ý tưởng. Điều này sẽ giúp học sinh chuyển từ việc ghi nhớ sang quá trình nhận thức và đưa phản hồi

  1. Sử dụng các bức ảnh

Chiến thuật này có tác dụng đối với các môn lịch sử hoặc khoa học xã hội. Giáo viên hỏi học sinh về một bức ảnh về một sự kiện lịch sử hoặc một nhân vật. Học sinh có thể suy nghĩ dựa trên những thông tin đã được học trong bài, như ngày tháng, địa điểm, nguyên nhân, hậu quả, các yếu tố xã hội khác… giáo viên có thể đưa cho học sinh thêm các câu hỏi nhỏ mang tính hướng dẫn.

  1. Hai ngôi sao một điều ước

Việc học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau giúp phát triển khả năng suy ngẫm của học sinh. Cho phép học sinh được đánh giá bài làm của bạn mình bao gồm các bài thuyết trình, các bài viết luận, các bức vẽ…

Sau khi thảo luận về sản phẩm của bạn, mỗi học sinh sẽ đưa ra 2 ngôi sao (những điều mà bạn làm tốt) và 1 điều ước (những điều mà bạn có thể cả thiện). Điều này khuyến khích các phản hồi tích cực mang tính xây dựng của học sinh

  1. Ghi note

Việc đánh giá mức độ nắm kiến thức của học sinh sẽ giúp giáo viên có cơ sở cho việc chuẩn bị bài học của những buổi tiếp theo. Yêu cầu học sinh viết ra những điều chúng suy nghĩ sẽ giúp học sinh tư duy sâu hơn về kiến thức hơn là học sinh nói và phát biểu trước lớp.

Vào cuối giờ yêu cầu học sinh viết 3 điều mà học sinh không hiểu. Học sinh có thể viết phản hồi và gửi qua google classroom. Sau khi viết, giáo viên có thể yêu cầu học sinh chia sẻ các câu hỏi hoặc các thắc mắc và cho phép các học sinh khác được trả lời câu hỏi của bạn.

  1. Hộp câu đố

Việc đánh giá có thể được tiến hành bằng hình thức của các trò chơi vui nhộn tạo tính cạnh tranh giữa các học sinh với nhau. Hoạt động này không chỉ tạo nên sự hứng thú trong học tập mà còn khuyến khích khả năng hợp tác, làm việc nhóm.

Giáo viên có sẵn 1 hộp chứa câu hỏi liên quan đến bài học, chia cả lớp ra thành các đội. Sử dụng tín hiệu là tiếng còi, tiếng chuông để học sinh đưa ra các câu trả lời, mỗi câu trả lời đúng sẽ được nhận điểm cho cả đội. Hoạt động này khiến việc ôn lại kiến thức, đưa ra các phản hồi trở nên nhẹ nhàng hơn.

  1. Cắt ghép

Thử thách tính sáng tạo của học sinh bằng cách yêu cầu chúng tạo nên những mảnh ghép với những hình ảnh có liên quan đến nội dung bài học. Kĩ thuật này có thể áp dụng cho mọi lớp học, học sinh có thể làm việc theo nhóm hoặc làm việc cá nhân.

Yêu cầu học sinh trình bày các mảnh ghép trước lớp và giải thích vì sao chúng lại chọn như vậy. Cho phép học sinh được đặt ra các câu hỏi đưa ra các bài học.

  1. Các cuộc gặp ngắn/ nhanh

Việc học sinh phải ở lại sau giờ học khiến chúng cảm thấy khó chịu. Không học sinh nào muốn nghe thấy cụm từ “gặp tôi sau giờ học”. Tuy nhiên khi cuộc gặp giữa giáo viên và học sinh được thiết lập giống như một hoạt động bắt buộc của cả lớp có thể sẽ khuyến khích học sinh chia sẻ những gì chúng học được mà không cảm thấy ngại trước các bạn. Các hoạt động này đặc biệt hữu ích với những bạn học sinh hướng nội hay rụt rè khi phải đứng trước cả lớp.

Việc gặp từng cá nhân học sinh có thể kéo dài vài phút, khoảng 1 lần mỗi tuần để thảo luận về một vấn đề cụ thể liên quan đến bài học, cho phép học sinh đặt ra các câu hỏi hoặc nhận những phản hồi. Hãy cố gắng đưa các cuộc họp này vào thời khóa biểu để tất cả các học sinh đều có cơ hội được tham gia.

  1. Giơ ngón tay, like

Cách đơn giản để giáo viên thu được phản hồi của cả lớp là học sinh sẽ giơ tay để thể hiện mức độ nắm kiến thức. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh giơ ngón tay cái nếu học sinh đã hiểu hết các nội dung của bài học và giơ ngón tay cái hướng xuống (dislike) nếu học sinh vẫn chưa hiểu một nội dung nào đó

  1. Các câu hỏi nhanh

Mặc dù các giáo viên đã có các câu hỏi được lập kế hoạch trong giáo án hoặc trong các bài kiểm tra nhưng những câu hỏi nhanh vẫn tạo cơ hội để ghi nhận mức độ nắm kiến thức của học sinh trước khi chuyển sang một nội dung khác

Yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi trong đó hướng đến việc nhận ra mức độ làm chủ nội dung kiến thức. Các phản hồi sẽ giúp giáo viên nhận ra những vấn đề học sinh đang gặp khó khăn hoặc học sinh nào cần phải có sự hỗ trợ thêm. Trong quá trình dạy học các thầy cô còn những kinh nghiệm nào khác? Hãy chia sẻ với chúng tôi. Chúng tôi luôn mong đợi sự chia sẻ của các thầy cô để cùng nhau cải thiện việc học của học sinh.

Nguyễn Hữu Long dịch

(Nguồn: https://blog.masteryconnect.com/10-formative-assessment-ideas-for-k-12-classrooms/)