Và bạn có thể làm gì để hỗ trợ sự phát triển của giáo dục.

Trẻ em ở các nước nghèo phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như một số nơi không có trường học. Thậm chí ở những nơi có trường học thì học sinh vẫn không có cơ hội tiếp cận giáo dục khi giáo viên không được đào tạo bài bản để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả.

Tăng cường tiếp cận giáo dục có thể cải thiện sự phát triển toàn diện, tuổi thọ, xã hội, tăng trưởng kinh tế và thậm chí kìm hãm sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ở nhiều nước đang phát triển, việc tiếp cận giáo dục của trẻ em có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố.

Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục (GPE), một sự hợp tác toàn cầu giữa hơn 60 quốc gia đang phát triển, đang đi đầu trong công tác tăng cường tiếp cận giáo dục ở những nơi này. Ngày 1 tháng 2 năm 2018, các nhà lãnh đạo GPE họp tại Dakar, Senegal để bổ sung GPE lần thứ ba, nhằm tăng 3,1 tỷ USD đầu tư mới cho quỹ này.

Số tiền đó dùng để cung cấp trang thiết bị dạy học cho học sinh và giáo viên ở các nước đang phát triển trên khắp thế giới, nhất là các khu vực có tình hình bất ổn và khủng hoảng.

Sau đây là 10 thách thức lớn nhất đối với nền giáo dục toàn cầu và phương án giải quyết hiện nay của GPE:

1. Thiếu kinh phí cho giáo dục

Trong khi Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục giúp đỡ nhiều quốc gia đang phát triển tăng nguồn tài chính trong nước của họ cho giáo dục, nguồn viện trợ giáo dục toàn cầu đang giảm xuống mức báo động. Tổng số tiền viện trợ giáo dục đã giảm trong sáu năm qua và trợ cấp giáo dục thấp hơn 4% so với năm 2009. Điều này gây nên một cuộc khủng hoảng tài trợ toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phổ cập giáo dục của nhiều quốc gia. Tiền không phải là tất cả, nhưng nó là nền tảng quan trọng cho một hệ thống giáo dục thành công.

Quan hệ Đối tác Toàn cầu đặt mục tiêu tăng vốn đầu tư mới từ các nhà tài trợ lên 3,1 tỷ USD, tăng các nguồn viện trợ khác cho giáo dục và yêu cầu các nước đang phát triển cam kết tăng nguồn tài trợ trong nước của họ.

2. Không có giáo viên hoặc giáo viên chưa được đào tạo

Điều kiện đầu tiên để một đứa trẻ có khả năng học tập là gì? Một giáo viên, tất nhiên.

Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nói đến giáo viên. Để phổ cập giáo dục tiểu học, chúng ta không chỉ thiếu giáo viên trên toàn cầu mà nhiều giáo viên hiện đang công tác cũng chưa được đào tạo, dẫn đến trẻ em không có nền tảng kiến thức cơ bản, chẳng hạn như Toán và Ngôn ngữ. LHQ ước tính để đạt được phổ cập giáo dục tiểu học và trung học vào năm 2030, cần có khoảng 69 triệu giáo viên mới trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, cứ ba nước thì một nước chỉ có chưa tới 3/4 số giáo viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia.

Chỉ trong năm 2016, Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục đã giúp đào tạo 238.000 giáo viên trên toàn thế giới. Với sự bổ sung thành công, GPE có thể biến việc tuyển dụng và đào tạo giáo viên trở thành ưu tiên hàng đầu trong việc cung cấp giáo dục chất lượng trên phạm vi toàn cầu.

3. Không có lớp học

Điều này có vẻ khá rõ ràng – nếu không có lớp học, trẻ em sẽ không có nhiều cơ hội nhận được một nền giáo dục tốt. Nhưng đó lại là thực trạng của hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới. Trẻ em ở nhiều quốc gia nằm trong vùng phụ cận Sahara châu Phi thường phải chen chúc nhau trong các lớp học đông đúc hoặc lớp học lưu động và ngoài trời.

Ví dụ, ở Malawi, có 130 trẻ em ở mỗi lớp 1. Vấn đề thiếu thốn không chỉ là các lớp học mà còn là tất cả các cơ sở vật chất tối thiểu của một trường học – như nước và nhà vệ sinh.

Ở Chad, chỉ có một trong bảy trường có nước uống được và chỉ một trong bốn trường có nhà vệ sinh; hơn nữa, chỉ có 1/3 số nhà vệ sinh riêng cho nữ – một rào cản thực sự đối với các nữ sinh.

Kể từ năm 2011, nguồn tài trợ từ Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục đã giúp xây dựng hoặc phục hồi 53.000 phòng học. Với 3,1 tỷ USD tăng thêm, GPE có thể giúp xây dựng thêm 23,800 phòng học, đồng thời, đào tạo hơn 1,7 triệu giáo viên và giải quyết một số vấn đề khác.

4. Thiếu tài liệu học tập

Học sinh ở nhiều nơi trên thế giới vẫn phải dùng chung nhau những quyển sách giáo khoa lỗi thời và rách nát. Ví dụ, ở Tanzania, chỉ có 3,5% học sinh lớp 6 sử dụng duy nhất một cuốn sách giáo khoa tập đọc. Ở Cameroon, có 11 học sinh tiểu học dùng chung một quyển sách giáo khoa tập đọc và 13 em học sinh lớp 2 dùng chung một quyển sách giáo khoa Toán. Sách bài tập, phiếu luyện tập, sách tập đọc và các tài liệu học tập cơ bản khác đều thiếu hụt. Giáo viên cũng cần các tài liệu để chuẩn bị bài học, chia sẻ với học sinh và định hướng bài giảng của mình.

Ví dụ, kinh phí GPE đã giúp cung cấp 146 triệu sách giáo khoa cho tất cả học sinh tiểu học và trung học ở Ethiopia, tăng cường tiếp cận các dịch vụ chất lượng cho khoảng 40.000 trường học.

5. Không nhận trẻ em khuyết tật

Mặc dù giáo dục là quyền cơ bản của con người trên toàn cầu, việc bị các trường từ chối tiếp nhận là thường xuyên đối với 93 triệu trẻ em khuyết tật trên thế giới. Ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới, có tới 95% trẻ khuyết tật không đi học. Một tổ hợp của phân biệt đối xử, giáo viên không được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy hòa nhập và thiếu các trường học dành cho trẻ khuyết tật khiến nhóm trẻ em này dễ bị tổn thương vì không được hưởng quyền học tập chính đáng của họ.

Trẻ em khuyết tật là một trong những ưu tiên của Đối tác Toàn cầu về Giáo dục. Với sự bổ sung thành công, GPE sẽ có thể làm việc với hơn 60 đối tác là các nước đang phát triển để thúc đẩy giáo dục hòa nhập.

GPE có một hồ sơ theo dõi để xác thực khả năng này. Ví dụ, tại Trường Tiểu Học Daerit ở Asmara, Eritrea, học sinh được dạy rằng: “Tất cả trẻ em đều có quyền đi học.” Và với nguồn tài trợ từ GPE, trường học này tiên phong trong giáo dục hòa nhập trên cả nước.

6. Kì thị giới tính

Nói một cách đơn giản, giới tính là một trong những lý do lớn nhất khiến trẻ bị từ chối nhập học. Mặc dù gần đây có những tiến bộ trong giáo dục nữ giới, một thế hệ phụ nữ trẻ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Hơn 130 triệu phụ nữ trẻ trên toàn thế giới hiện không được ghi danh vào trường học. Ít nhất, 1/5 số nữ ở tuổi vị thành niên trên toàn thế giới không được đi học bởi hoàn cảnh nghèo đói, xung đột và phân biệt đối xử.

Nghèo đói khiến nhiều gia đình phải lựa chọn xem đứa con nào được đến trường. Các bé gái thường bị bỏ qua vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Thay vào đó, họ phải đi làm hoặc ở nhà chăm sóc anh chị em và làm việc nhà. Các bé gái cũng bỏ học nhiều ngày trong năm hoặc quá xấu hổ khi tham gia lớp học, bởi vì họ không có nhà vệ sinh phù hợp trong trường để quản lý thời gian riêng tư và nhân phẩm.

Việc đảm bảo các bé gái có thể tiếp cận và hoàn thành một nền giáo dục chất lượng là ưu tiên hàng đầu của Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục. Kể từ khi thành lập, GPE đã giúp thêm 38 triệu bé gái được đi học. 64% các nước đang phát triển được GPE hỗ trợ và thành công trong việc cân bằng số tỉ lệ nữ giới và nam giới hoàn thành bậc tiểu học trong năm 2015. Quỹ GPE cũng cải thiện chất lượng các cơ sở vệ sinh trên toàn thế giới. Với sự bổ sung thành công, GPE có thể giúp tăng thêm 9,4 triệu bé gái đến trường vào năm 2020.

7. Sống ở một đất nước xung đột hoặc có nguy cơ xung đột

Bất kì cuộc chiến nào đều gây ra nhiều thương vong và các hệ thống giáo dục thường bị phá hủy. Ảnh hưởng của các cuộc xung đột là không thể chối cãi. Trong năm 2017, khoảng 50 triệu trẻ em đang sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột, trong đó, 27 triệu trẻ em không được đi học (theo UNICEF). Tình hình xung đột cản trở mọi hoạt động chính phủ, giáo viên và học sinh phải di tản và quá trình học tập bị gián đoạn. Tổng cộng, 75 triệu trẻ em buộc phải thôi học bởi xung đột hoặc khủng hoảng, bao gồm cả thiên tai phá hủy trường học và môi trường xung quanh. Đáng buồn thay, giáo dục cho đến nay là một ưu tiên rất thấp trong viện trợ nhân đạo cho các nước chịu ảnh hưởng của xung đột – và chưa đến 3% viện trợ nhân đạo toàn cầu dành cho cho giáo dục vào năm 2016.

Kể từ khi thành lập, Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục đã cam kết gần một nửa số tiền tài trợ (2,3 tỷ đô la) cho các bang chịu ảnh hưởng từ xung đột và bất ổn. Gần một nửa số quốc gia được GPE tài trợ thuộc diện “bất ổn” hoặc “bị ảnh hưởng bởi xung đột”.

8. Khoảng cách từ nhà đến trường

Đối với nhiều trẻ em trên toàn thế giới, mỗi ngày đi bộ ba tiếng đồng hồ đến trường không phải là chuyện hiếm. Điều này là quá sức đối với nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, suy dinh dưỡng, ốm đau hoặc phải làm việc phụ giúp gia đình. Hãy tưởng tượng mỗi ngày, bạn thức dậy vào lúc năm giờ sáng, đến trường với cái bụng lép kẹp và không được trở về trước bảy giờ tối – thật khủng khiếp. Nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, cũng dễ gặp nguy hiểm trên đường đến trường và khi ở trường.

Bằng cách đầu tư vào các trường học mới, Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục đang giúp rút ngắn con đường đến trường để trẻ em có điều kiện học hành tốt hơn. Với cam kết hỗ trợ, GPE có thể đảm bảo không đứa trẻ nào phải chịu đựng những hành trình dài như vậy để hoàn thành quyền học tập cơ bản của họ.

9. Nghèo đói

Ảnh hưởng của nạn đói đối với các hệ thống giáo dục không được quan tâm chu đáo. Bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, đến mức ảnh hưởng sự phát triển trí não, tương tự như mất bốn năm học ở trường. Khoảng 171 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng lúc 5 tuổi. Tình trạng còi cọc có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức cũng như khả năng tập trung của trẻ ở trường. Kết quả là, trẻ em 8 tuổi bị suy dinh dưỡng chỉ có 19% khả năng đọc. Ngược lại, điều kiện dinh dưỡng tốt có thể là sự chuẩn bị quan trọng cho việc học tập tốt.

Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục tìm cách xử lý các ưu tiên quốc gia theo quyết định của chính phủ các nước đang phát triển. Trường hợp suy dinh dưỡng là một mối quan tâm lớn mà GPE đang bước vào để giải quyết vấn đề.

Ví dụ, tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chương trình Bữa ăn Trường học do GPE tài trợ nhằm giải quyết sự thiếu hụt dinh dưỡng của học sinh cũng như thúc đẩy sự tự chủ, quyền sở hữu cộng đồng và tính bền vững thông qua tận dụng nguồn thực phẩm ở địa phương, cùng sự tham gia tích cực của các thành viên cộng đồng. Kết quả là, CHDCND Lào đã tăng số lượng học sinh đi học (đặc biệt là trẻ em gái), cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm chi tiêu hộ gia đình, và quan hệ học sinh – giáo viên – phụ huynh – cộng đồng trở nên chặt chẽ hơn.

10. Chi phí giáo dục

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền viết rõ rằng mọi trẻ em đều có quyền được hưởng một nền giáo dục cơ bản miễn phí, do đó nghèo đói và thiếu kinh phí không phải là rào cản đối với việc đi học. Ở nhiều nước đang phát triển, trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ đã tuyên bố bãi bỏ học phí và kết quả là số lượng trẻ em đi học tăng lên đáng kể.

Nhưng đối với nhiều gia đình nghèo nhất, học phí vẫn còn quá đắt và trẻ em buộc phải ở nhà hoặc đi làm phụ giúp gia đình. Các gia đình vẫn bị trói chặt trong một chu kỳ nghèo đói kéo dài nhiều thế hệ. Ở nhiều quốc gia châu Phi, về lý thuyết là trẻ em được miễn học phí nhưng thực tế, ‘cha mẹ buộc phải trả tiền cho’ các vật dụng bắt buộc ‘như đồng phục, sách, bút, học phụ đạo, lệ phí thi hoặc quỹ cải tạo cơ sở vật chất nhà trường. Ở những nơi khác, việc thiếu trường công (chính phủ tài trợ) nghĩa là cha mẹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con vào trường tư, ngay cả các trường gắn mác ‘học phí thấp’ thì những hộ gia đình nghèo nhất cũng không thể chi trả nổi.

Mục đích chính của Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục là củng cố hệ thống giáo dục quốc gia của các nước nghèo nhất, tạo điều kiện để họ có khả năng cung cấp nền giáo dục chất lượng, giá cả phải chăng cho mọi công dân.

Táo trường học dịch