Một trong những công việc mà học sinh nào cũng phải làm đó là ôn tập và củng cố các kiến thức đã học. Đó có thể là ôn tập lại những nội dung trong một tiết học hoặc dài hơi hơn, có thể ôn tập sau một chương, một học kỳ. Làm thế nào để hoạt động này trở nên hấp dẫn và thú vị hơn với học sinh? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với các thầy cô 10 hoạt động để làm cho việc ôn tập trở nên hiệu quả hơn.

  1. Ôn tập bằng Flashcard (thẻ từ)

Thẻ từ là một cách học đơn giản và hiệu quả. Học sinh có thể sử dụng chúng để tự ôn tập lại nội dung bài học hoặc ôn tập cùng bạn khác. Học sinh sẽ viết các từ khóa, nội dung quan trọng hoặc có thể một vài hình ảnh minh họa lên các thẻ.

Hoạt động này sẽ cho phép học sinh được thỏa sức sáng tạo và tự tạo ra các hình ảnh hoặc biểu tượng để giúp các em nhớ thuật ngữ hoặc chủ đề của bài học. Trong quá trình học tập, giáo viên nên dành thời gian hướng dẫn học sinh cách tạo các thẻ từ để sẵn sàng sử dụng trong các hoạt động ôn tập.

  1. Ôn tập bằng hình thức Game Show

Học sinh luôn thích các trò chơi và sự cạnh tranh lành lạnh. Giáo viên hãy tạo các trò chơi mô phỏng theo các game show trên truyền hình như Ai Là triệu phú? Hãy chọn giá đúng? Nhanh như chớp,… và tổ chức cho học sinh chơi theo nhóm hoặc trên quy mô toàn lớp học. Các câu hỏi trong game show chính là các nội dung mà học sinh cần ôn tập. Để tăng sự chủ động và sáng tạo của học sinh, giáo viên có thể cho học sinh được tự lựa chọn trò chơi và tự thiết kế các câu hỏi và đáp án cho trò chơi của mình để thử thách các bạn ở các nhóm khác.

  1. Các câu hỏi do học sinh tự đặt ra

Cho phép học sinh tạo câu hỏi và câu trả lời để đố các bạn cùng lớp. Một biến thể của hoạt động này là giáo viên yêu cầu học sinh phải đặt một số câu hỏi nhất định về một chủ đề liên quan đến bài học, học sinh có thể hợp tác làm việc theo nhóm để đưa ra các câu hỏi sau đó dùng chính các câu hỏi đó để tổ chức thành một trò chơi.

Sau khi hoạt động kết thúc, giáo viên cũng có thể cho học sinh bình chọn những câu hỏi hay nhất, câu hỏi thú vị nhất, câu hỏi khó nhất, câu hỏi dễ nhất…

  1. Câu hỏi trong ngày

Giáo viên sẽ viết một câu hỏi hoặc vấn đề có liên quan đến bài kiểm tra lên bảng hoặc đăng lên group của lớp học. Sau đó khuyến khích học sinh đặt ra các câu hỏi và câu trả lời vào vở.

Một ý tưởng khác là cho học sinh nộp câu trả lời dưới hình thức bỏ phiếu kín. Giáo viên sẽ công bố đáp án/câu trả lời đúng vào buổi học tiếp theo.

  1. Sơ đồ thông tin

Một cách hấp dẫn và thú vị để lôi cuốn học sinh trong các hoạt động ôn tập là sơ đồ hóa thông tin. Giáo viên hãy lựa chọn và hướng dẫn học sinh một số dạng sơ đồ như: sơ đồ hình xương cá, sơ đồ tư duy, sơ đồ hình cây, sơ đồ venn, sơ đồ chuỗi quy trình,… Học sinh sẽ tóm tắt các kiến thức đã học dưới dạng các sơ đồ nhất định hoặc tự chọn.

  1. Học sinh làm giáo viên

Cho phép học sinh được đóng vai làm giáo viên để giảng giải hoặc đưa ra các hướng dẫn cho các bạn trong lớp. Học sinh sẽ ôn tập lại các nội dung của bài học, sau đó lên bảng, thay giáo viên giảng lại hoặc giải đáp các thắc mắc của các bạn trong lớp. Trong quá trình thực hiện hoạt động này, giáo viên nên nhắc các học sinh ở dưới ghi chép các thông tin cần thiết vào vở.

  1. Chấm bài cho lớp khác

Hãy lựa chọn các bài kiểm tra của các lớp khác hoặc của các khóa trước, sau đó xóa tên trên bài kiểm tra để học sinh không thể biết được bài làm đó là của ai. Giáo viên giao cho học sinh nhiệm vụ chấm các bài đó. Thông qua việc chấm bài, học sinh sẽ ôn tập và củng cố các kiến thức đã học một cách hiệu quả. Trong quá trình chấm bài, giáo viên có thể đưa đáp án hoặc không đưa sẵn đáp án để học sinh tự đi tìm câu trả lời.

  1. Sách gấp

Giáo viên hướng dẫn học sinh làm các cuốn sách gấp trong đó các thông tin về chủ đề bài học, các ý chính sẽ ở bên ngoài, các thông tin chi tiết sẽ được viết ở bên trong. Học sinh sẽ dùng các cuốn sách gấp này để ôn tập các nội dung đã học. Nội dung nào học sinh chưa nhớ, có thể mở tiếp các trang ở bên trong.

  1. Trạm ôn tập

Chia nội dung ôn tập thành các phần như khoảng thời gian, chương hoặc đơn vị. Đưa ra các câu hỏi ôn tập và cho phép học sinh có một khoảng thời gian nhất định ở mỗi trạm. Mỗi trạm có thể bao gồm các tài liệu hữu ích như ghi chú, sách, bài báo, v.v.

  1. Trò chơi Tic-Tac-Toe

Hoạt động này có thể được sử dụng với cả lớp nhưng sẽ hiệu quả hơn với các nhóm nhỏ. Học sinh được chia làm hai nhóm và mỗi nhóm được chỉ định X hoặc O. Vẽ bảng tic-tac-toe trên giấy hoặc bảng đen (giống các ô trong cờ ca rô). Học sinh sẽ đánh dấu X hoặc O của mình trên bảng trò chơi nếu trả lời đúng câu hỏi do giáo viên đọc.

Những ý tưởng trên có thể áp dụng hiệu quả với các quy mô lớp học, các môn học và cấp lớp khác nhau. Bạn có thể chọn sử dụng một hoạt động này để ôn tập củng cố cuối giờ hoặc có thể sử dụng trong tiết ôn tập cuối chương hoặc cuối kỳ. Nó sẽ giúp cho việc ôn tập của học sinh trở nên hiệu quả hơn và không cảm thấy nhàm chán.

https://thuviengiangday.com

THAM KHẢO CÁC Ý TƯỞNG KHÁC TRONG BỘ TÀI LIỆU – HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC Ý TƯỞNG VÀ CÔNG CỤ