Điều lệ của lớp phải do chính giáo viên và trẻ cùng nhau thảo luận và quyết định. Ý thức mình làm chủ những điều lệ này sẽ giúp trẻ tuân thủ những điều mà chính trẻ đặt ra một cách tự nguyện hơn, đồng thời, điều đó cũng giúp các em có những sáng kiến để khuyến khích, động viên người khác cùng làm theo cũng như có những giải pháp thích hợp cho những việc làm không đúng hoặc cho những ai không tuân thủ luật lệ.

Những điểm cần lưu ý

  • Tất cả mọi thành viên đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc tham gia xây dựng điều lệ của lớp. Cũng vậy, tất cả mọi người cần hiểu rõ những điều lệ này và biết làm thế nào để đạt được mục đích của nó.
  • Cùng nhau, cả lớp quyết định trên những điều lệ liên quan đến việc làm thế nào để giúp mọi người có những giờ học bổ ích, thu được kết quả tốt nhất, kiến thức, kỹ năng hay nhất, bổ ích nhất. Đồng thời, điều này cũng có nghĩa là các em cũng cần xây dựng điều lệ liên quan đến thái độ sống, thái độ học tập của các em.
  • Làm thế nào để có thể dễ thấy, dễ ghi nhớ các điều lệ ấy. Ngắn gọn, dễ nhớ là điều cần thiết vì trẻ không thể nhớ quá nhiều điều lệ phức tạp. Ví dụ, sử dụng hình ảnh sinh động, dễ hiểu, dễ hình dung, kèm theo những câu chữ ngắn gọn, phù hợp; treo nơi dễ nhìn thấy; cho mỗi trẻ một bản để đem về nhà hoặc dán ngay trên mặt bàn của trẻ một bản photocopy nho nhỏ v.v. Cụ thể hơn, có thể sử dụng những hình ảnh như: mắt, miệng, tai, tay v.v để minh hoạ cho việc chăm chú, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, lắng nghe nhau, không nghịch há v.v
  • Điều lệ cần tập trung vào để phát huy tối đa những điểm tích cực. Dùng ngôn ngữ tích cực nhất để xây dựng điều lệ. Ví dụ, thay vì: Không được chạy nhảy trong trường lớp, thì sẽ là: Đi đứng cẩn thận.
  • Điều lệ cũng cần phải đi kèm với những hệ quả, ví dụ như có thưởng phạt xứng hợp hoặc nhắc nhở khi cần. Những điều này cũng phải được thảo luận cùng với nhau tại lớp. Trẻ sẽ dễ chấp nhận những hình thức thưởng phạt khi giáo viên không thiên vị trong đối xử.
  • Cần thường xuyên cùng nhau nhìn lại những điều lệ và hình thức khen thưởng này để giúp trẻ nhận ra điều gì cần phải chấn chỉnh, điều nào đáng được duy trì, hoặc điều lệ nào cần phải chỉnh sửa để dễ ứng dụng, theo đuổi.
  • Những điều lệ về thái độ ứng xử rất cần để giúp hình thành những kỹ năng ứng xử cũng như thái độ sống nơi trẻ. Về lâu dài, những điều này có thể trở thành những điều định hình giá trị sống cho trẻ. Đừng chỉ chú trọng vào những điều lệ liên quan đến việc học hành, bài vở, nhưng cả những điều lệ về thái độ, kỹ năng ứng xử này sẽ giúp việc học hành của trẻ trở nên hiệu quả hơn. Chẳng hạn như việc giúp trẻ ý thức việc làm việc cùng nhau, chia sẻ đồ dùng đồ chơi với nhau, bình tĩnh, không nóng giận cáu gắt, trao đổi với nhau để tìm sự đồng thuận hơn là gây gỗ hay đánh nhau v.v

Trong việc xây dựng, hình thành điều lệ lớp, việc giúp trẻ có được những hình ảnh, suy nghĩ tích cực về bản thân là điều không thể thiếu. Vì vậy, giáo viên có thể giúp trẻ suy nghĩ tích cực về bản thân bằng 3 bước sau:

  1. Nếu giáo viên nhận thấy rằng trẻ tự ti, mặc cảm hoặc có những suy nghĩ không tích cực về bản thân, giáo viên hãy cho trẻ biết rằng: Cô không đồng ý về suy nghĩ đó của con. Phương pháp a không giải quyết được vấn đề thì trong bảng chữ cái còn có nhiều những chữ cái khác để tiếp tục lên kế hoạch.
  2. Quan sát việc trẻ giao lưu, đối thoại với cô, với bạn bè và với mọi người khi trẻ học, chơi, ăn, ngủ v.v rồi tìm ra ít nhất một điều tích cực của trẻ và khen ngợi trẻ về điều đó.
  3. Thường xuyên khen ngợi điểm tốt, điểm hay đó của trẻ, giáo viên sẽ thấy rằng trong vài ngày, trẻ sẽ cảm nhận được điều giáo viên khen và chấp nhận đó là một sự thật. Trẻ sẽ học cách để làm điều đó thường xuyên hơn.

Những khía cạnh cần được quan tâm nhân rộng trong việc giúp trẻ suy nghĩ tích cực về bản thân, về người khác:

  • Quan tâm: có thể là quan tâm đến môi trường, người khác, công việc v.v
  • Động lực: thích học vì muốn trở thành một ai đó, vì muốn làm điều gì đó v.v
  • Thông minh: giải được bài toán cộng/trừ, viết chữ đẹp, có ý kiến hay v.v
  • Biết tổ chức: Luôn chuẩn bị tốt sách, vở, gọn gàng khi học, chơi, ngủ, hoàn thành bài đúng thời gian v.v
  • Chăm chỉ: Luôn cố gắng làm tốt việc được giao, biết tìm tòi, hỏi han v.v
  • Thân thiện: đối xử tốt với mọi người, luôn mỉm cười, tạo niềm vui v.v
  • Suy nghĩ kỹ càng: luôn dành thời gian suy nghĩ trước khi trả lời, hoặc khi làm bài v.v
  • Cộng tác: biết thảo luận, trao đổi và làm, chơi cùng bạn bè v.v
  • Hoà đồng: Luôn đối xử tốt và công bằng, luôn biết mời bạn cùng làm, cùng chơi và không phân biệt
  • Lịch sự: Luôn nhã nhặn trong lời nói, ăn mặc đúng quy định v.v
  • Tôn trọng: biết lắng nghe, chờ đợi và biết điều gì đúng nên làm v.v

(Thanh Hiếu OP)