Trong những yếu tố ảnh hưởng đến công tác phát triển chuyên môn của giáo viên, nhiều nhất phải kể đến thời gian, sự thay đổi và sự thiếu hụt các nguồn lực.

Sự thay đổi xảy ra ở nhiều cấp độ, ví dụ việc triển khai thực hiện một chương trình giảng dạy mới; xây dựng các môn học hoặc lĩnh vực học tập mới; hay đơn giản hơn là các vùng kiến thức mới trong các môn học;…

Việc thiếu giáo viên có trình độ là một trong những thách thức lớn nhất đối với một hệ thống giáo dục hiệu quả. Các giáo viên hiện tại cần phải được đào tạo và phát triển chuyên môn để hỗ trợ những nơi có nhu cầu lớn nhất.

Trách nhiệm phát triển chuyên môn thuộc về các cấp khác nhau và không có cấp nào quan trọng hơn cấp nào. Trách nhiệm bắt đầu từ cá nhân, sau đó mới tính đến sự hỗ trợ từ tất cả các bên liên quan. Trong số các bên liên quan, hiệu trưởng là người quan trọng nhất.

Hiệu trưởng đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển chuyên môn của giáo viên. Hiệu trưởng xác định thời điểm dành cho việc phát triển chuyên môn và đánh giá giáo viên có hoàn thành hay không. Nhưng việc đưa ra các chỉ thị thôi là chưa đủ. Hiệu trưởng còn phải là người ủng hộ dành thời gian cho việc đào tạo chuyên môn và tham gia vào quá trình phát triển chuyên môn để hiểu về những thay đổi của công việc giảng dạy như các giáo viên.

“Khi mọi người kỳ vọng các hiệu trưởng đổi mới trường học và cải thiện thành tích học tập của học sinh, họ thường hỏi lại: “Tôi phải làm sao để thuyết phục các giáo viên ủng hộ những sáng kiến đổi mới?” hoặc “Tôi nên giải quyết thế nào với những người không hưởng ứng?” Tuy nhiên, thách thức của hiệu trưởng không phải là thuyết phục nhân viên về lợi ích của đổi mới mà là giúp họ trải nghiệm những lợi ích đó. Hiệu trưởng phải tạo tình huống thúc đẩy mọi người hành động chứ không chỉ nói suông… Một khi giáo viên đã quen với thay đổi, họ sẽ ủng hộ. Họ cần biết họ đang nỗ lực vì điều gì.” Burnette, (2002).

Nếu hiệu trưởng muốn trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả trong công tác phát triển chuyên môn cho giáo viên, họ cần biết điểm mạnh và điểm yếu của giáo viên, sau đó, đầu tư phát triển cho họ.

Công tác đào tạo, phát triển chuyên môn cần đặt mục tiêu là kết quả học tập của học sinh. Họ phải xác định và xem xét những thiếu sót trong thực hành, kiến ​​thức và kỹ năng để đạt được những kết quả đó. Họ nên lập kế hoạch phát triển chuyên môn dài hạn.

Các vai trò khác nhau của hiệu trưởng

Nhiệm vụ của một nhà lãnh đạo rất phức tạp và không dễ dàng! Theo nghiên cứu, các vai trò sau đây được coi là quan trọng nhất:

  • Nhiệm vụ quản trị
  • Làm việc với học sinh và các vấn đề của người học
  • Quản lý nhân sự
  • Quan hệ với các tổ chức khác (chính quyền, công đoàn,…)
  • Giải quyết xung đột
  • Làm việc với cha mẹ học sinh
  • Chỉ đạo công tác giảng dạy

o Phát triển chương trình giảng dạy

o Giám sát

o Phát triển chuyên môn

o Tổng kết, đánh giá

o Nhận và triển khai các chỉ thị từ cấp trên

o Thay đổi hệ thống đánh giá/ xếp loại

“Mặc dù ai cũng công nhận hiệu trưởng đóng vai trò lãnh đạo công tác giảng dạy nhưng họ ít khi thực hành nó: hiệu trưởng vẫn dành phần lớn thời gian giải quyết các vấn đề quản lý” (Kavanagh, B. 2006).

Từ kinh nghiệm giảng dạy cá nhân, họ có thể nhận định sâu sắc về những thách thức mà giáo viên phải đối mặt trong lớp học. Tuy nhiên, khi đứng trước một thay đổi to lớn, hiệu trưởng cũng cần học hỏi thêm.

Họ phải xác định và điều chỉnh phương hướng giáo dục. Hãy nhớ rằng sự thống nhất là trọng tâm của công tác phát triển chuyên môn cho giáo viên.

Việc đào tạo chuyên môn phải đối mặt với nhiều thách thức. Khối lượng công việc quá lớn có thể làm giảm hiệu suất lao động của giáo viên – hiệu trưởng phải đảm bảo sự cân bằng khi thực hiện các sáng kiến tổ chức ​​phát triển chuyên môn.

Nếu không được hỗ trợ đầy đủ, mọi nỗ lực sẽ không đạt được kết quả. Hord và Hirsh (2008) đã đề xuất các phương pháp tiếp cận nhằm hỗ trợ cho cộng đồng học tập chuyên môn trong nhà trường:

  • Chú ý đến các giáo viên mà bạn biết họ có thể thành công.
  • Kỳ vọng giáo viên tự cập nhật kiến ​​thức.
  • Hướng dẫn cộng đồng tự quản với tinh thần dân chủ, luân phiên lãnh đạo và ra chỉ thị.
  • Tăng cường tham gia nâng cao chất lượng hoạt động của giáo viên; thông qua việc chịu trách nhiệm giám sát công tác phát triển và giảng dạy của giáo viên để họ sẵn sàng tiếp quản. Để đạt được điều này, một nhà lãnh đạo phải làm gương cho tất cả mọi người – hiệu trưởng càng uy tín thì năng lực lãnh đạo của thế hệ tiếp nối càng cao.
  • Lưu trữ hồ sơ về người học để có thể phân tích khi cần.
  • Dạy các kỹ năng thảo luận và ra quyết định.
  • Cho giáo viên xem các nghiên cứu.
  • Dành thời gian để tạo dựng niềm tin. Giáo viên sẽ không bao giờ công khai thể hiện bản thân nếu họ e ngại đồng nghiệp của họ.

Nhiều nghiên cứu về cộng đồng phát triển chuyên môn đã chỉ ra rằng những thay đổi lớn nhất trong tư duy, cũng như thực hành của giáo viên đến từ sự ủng hộ công khai của hiệu trưởng.

Sau đây là bốn đặc điểm chính rút ra từ các phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng:

  1. Hiệu trưởng cho giáo viên tham dự vào quyết định của mình, đặc biệt là về giảng dạy và học tập.
  2. Hiệu trưởng ủng hộ các quyết định trong lớp của giáo viên.
  3. Hiệu trưởng nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm chung đối với việc học của học sinh trong toàn thể giáo viên.
  4. Hiệu thường xuyên công khai nhấn mạnh vai trò của tập thể giáo viên trong việc hỗ trợ tầm nhìn và nhiệm vụ của nhà trường.

“Trong quá trình thực hiện, điều quan trọng là hiệu trưởng phải ghi nhận thành công của giáo viên trong các lễ kỷ niệm và khen thưởng. Các cuộc họp giáo viên, bản tin và họp hội đồng nhà trường đều là những diễn đàn tuyệt vời để chia sẻ tin tức tốt đẹp về thành công giáo viên”.

Nghiên cứu cho thấy trở ngại lớn nhất đối với sự thành công của cộng đồng học tập là những hiệu trưởng không chủ động hỗ trợ công việc của các cộng đồng học tập (Dunne, Nave, và Lewis, 2000).

Phát triển chuyên môn ở các cấp độ khác nhau

Với vai trò chỉ đạo công tác giảng dạy, hiệu trưởng nên xem xét nhu cầu phát triển chuyên môn ở các cấp độ khác nhau của giáo viên trong trường và phân hóa cho phù hợp.

Hiệu trưởng tự phát triển

“Giáo viên và học sinh được hưởng lợi nhiều hơn khi hiệu trưởng hoạt động như các nhà lãnh đạo học tập hơn là các nhà lãnh đạo giảng dạy” (DuFour, 2002).

Phát triển tổ bộ môn

Phát triển tổ bộ môn là mô hình thực hành tốt, đóng vai trò chủ đạo trong các môn học hoặc các lĩnh vực học tập của giáo viên. Điều này cho phép hiệu trưởng san sẻ trách nhiệm phát triển chuyên môn cho các phó hiệu trưởng và tổ trưởng bộ môn.

Đào tạo giáo viên/ nhân viên

Quá trình đào tạo giáo viên nên là kết quả của một quá trình suy ngẫm và đối thoại. Nó cũng cần được duy trì trong một khoảng thời gian đủ dài. Công tác đào tạo giáo viên nên được thực hiện ở các cấp độ khác nhau; sự phát triển nên đến từ các cơ hội học tập chuyên sâu có ý nghĩa và hiệu quả. Quá trình này phải được đánh giá ở các mức độ hiệu quả khác nhau.

Giáo viên phải có niềm tin thì mới chia sẻ được với nhau những khó khăn và nỗ lực cũng như thành công, ý tưởng và thông tin chi tiết. Việc tìm thấy những người có cùng mối quan tâm về một loạt các chủ đề và cấp lớp sẽ phát sinh một cách tiếp cận tích cực hơn đối với công tác phát triển chuyên môn.

Tập huấn lãnh đạo nhóm

Tổ trưởng bộ môn và giảng viên cũng như cố vấn sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo nhóm học tập chuyên môn và được đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết như điều phối, huấn luyện và quản lý.

Antoinette du Plessis

https://thuviengiangday.com dịch