Tư duy phê phán đã trở thành một vấn đề nan giải của giáo dục, một mục tiêu mà nếu đạt được thì chúng ta sẽ có được sự hưởng ứng của toàn thế giới. Các giáo viên đã được giao trọng trách đảm bảo rằng học sinh phát triển các kĩ năng tư duy phê phán và sau đó tiếp tục hoàn thiện năng lực để sử dụng chúng.
Chúng ta chắc chắn đang đi đúng hướng? Hệ thống giáo dục của chúng ta được phát triển dưới cái bóng của kỉ nguyên công nghiệp, khi mô hình nhà máy chiếm ưu thế. Vì vậy, chúng ta nói rằng bây giờ mình phải phân hóa, cá nhân hóa và dạy tư duy phê phán, điều đó góp phần loại bỏ các chiến thuật học vẹt được sử dụng trong thời kỳ mà mọi thứ được đo bằng khả năng nhớ và tái hiện.
Nhưng nếu cánh cửa thang máy đóng sập trước mặt bạn, bạn có thể xác định được tư duy phê phán không?
Những vấn đề bàn luận về tư duy phê phán
Thời buổi này, ở đâu cũng cần phải dạy tư duy phê phán. Tổ chức Đối tác cho Giáo dục thế kỉ 21 đã nói rằng chúng ta “tập trung vào sự sáng tạo, tư duy phê phán, khả năng giao tiếp và sự đoàn kết… để chuẩn bị cho học sinh bước tới tương lai”.
Trong khi đó, Các tiêu chuẩn chung của bang về Ngôn ngữ tiếng Anh nhấn mạnh “các kĩ năng tư duy phê phán, giải quyết vấn đề và phân tích là cần có để thành công trong học tập, nghề nghiệp và cuộc sống.”
Đạo luật Thành công cho mỗi học sinh (ESSA) thì kêu gọi những bài kiểm tra “đánh giá kĩ năng tư duy mức độ cao như giải thích, phân tích, giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phê phán, giao tiếp hiệu quả và hiểu được những nội dung mang tính thử thách.”
Những chỉ dẫn này gợi ý cho các nhà giáo dục và trường học dạy tư duy phê phán theo phương pháp cá nhân hóa hơn. Tuy nhiên, vì sự định nghĩa chưa rõ ràng, tất cả những văn bản này có thể được thực hiện một cách nghiêm túc. Nó trở thành âm thanh “wha-wha” được giáo viên nói trong tất cả các phim hoạt hình của Charlie Brown.
Tự đưa ra định nghĩa của mình
Tôi định nghĩa tư duy phê phán thông qua sự hình dung: Tôi vẽ bộ não được kích hoạt bởi một ý nghĩ mà nhờ nó, các tín hiệu đi từ khu vực này đến khu vực khác, hình thành các liên kết giữa các nơ ron thần kinh. Tư duy phê phán là khi não bộ hoạt động, tạo liên kết đến sự vật và có các ý nghĩ ban đầu về khái niệm. Đây là sự khác biệt giữa cố gắng để nhớ (“ừm!”) và cố gắng để giải quyết (“yeah!”). Việc bạn lên mạng tra cứu “Ảnh hưởng của Thế chiến I đến châu Âu”, đó không phải tư duy phê phán. Liệt kê một chương sách khoa học không phải tư duy phê phán. Hai hoạt động này đều nhằm một mục đích, tuy nhiên đấy không phải tư duy phê phán. Định nghĩa của tôi có thể không hoàn hảo, nhưng nó giúp bạn chỉ ra cái nào là tư duy phê phán.
Trong lớp học
Sự thật là trong khi trẻ con suy nghĩ, không phải hoạt động nào cũng tạo nên tư duy phê phán. Chúng ta muốn sử dụng các phương pháp và chiến thuật có mục đích để kích thích những bộ não ấy hình thành:
Thông qua lí thuyết học tập dựa trên giải quyết vấn đề. Học tập dựa trên giải quyết vấn đề khác với các dự án đơn thuần bởi nó tạo sự tư duy phê phán nhiều hơn. Thay vì viết báo cáo về một bang, tại sao không thành lập ra bang thứ 51? Thay vì đọc về các ảnh hưởng của chất dinh dưỡng trong đất, tại sao không trồng một khu vườn và quan sát trực tiếp các ảnh hưởng đó?
Khám phá thế giới trong một cuộc săn tìm mẫu vật (trong phạm vi môn học). Yêu cầu học sinh tìm các mẫu vật mà họ đã được học ở xung quanh trường. Yêu cầu họ mang những mẫu vật đó đến lớp và dạy cho các bạn khác cách mà họ áp dụng vào đề tài đang nghiên cứu.
Tận dụng thói quen tư duy. Yêu cầu học sinh tư duy phê phán, điều đó là chưa đủ; chúng ta phải dạy họ cách thức tư duy. Hướng dẫn học sinh hình dung tưởng tượng, giúp họ liên hệ và dạy họ về sự kiên nhẫn và mạo hiểm để giải quyết các thách thức khó nhằn. Tìm kiếm ý tưởng để thực hiện điều này trong cuốn sách “Tích hợp 16 thói quen tư duy”.
Yêu cầu sự phản hồi. Bảng KWL (Know – Biết, Want to Know – Muốn biết, Learned – Đã học) là một khởi đầu tốt, tuy nhiên, hãy thêm một cột H (Làm thế nào). Hỏi học sinh rằng họ làm thế nào để học được một điều gì. Dạy học sinh nhận biết các khoảnh khắc “khai sáng” của chính họ. Giảng bài cho họ đi kèm những câu hỏi siêu nhận thức, như vậy họ có thể thường xuyên đào sâu suy nghĩ và biết được vì sao mình tư duy theo hướng đó.
Dạy học sinh đặt câu hỏi. Buộc học sinh phải xây dựng câu hỏi vượt ra ngoài những gì có thể được trả lời thông qua tra cứu Google. Giúp họ phát triển câu hỏi định hướng cho nghiên cứu của họ, thách thức các bằng chứng và cho thấy họ hiểu bài. Cân nhắc việc cho học sinh dùng các mô hình câu hỏi phát triển theo thang đo của Bloom.
Ngạc nhiên thay, sự mỉa mai có thể được định nghĩa là “sự thể hiện một nét nghĩa thông qua sử dụng ngôn ngữ mà thường biểu hiện ngược lại, điển hình cho hiệu quả hài hước hoặc nhấn mạnh.” Tuy nhiên, nó lại không phải tư duy phê phán. Tôi chỉ tra Google thôi 🙂
Tác giả: Heather Wolpert Gawron
Đặng Thanh Hiền dịch