Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta nghe rất nhiều về khái niệm lớp học lấy học sinh làm trung tâm. Nhiều nhà giáo dục đồng tình rằng trong thế kỉ 21, việc tổ chức một lớp học lấy học sinh làm trung tâm là cần thiết.

Dù bạn dạy học sinh lớp Một hay sinh viên đại học, hãy bớt chút thời gian suy nghĩ xem mình sẽ tạo không gian lớp học ở đâu, nơi nào thì học sinh được thoải mái trình bày quan điểm cá nhân, làm việc cùng nhau và có cơ hội lựa chọn.

Những câu hỏi chỉ dẫn

Hãy ứng dụng những câu hỏi này vào môi trường học tập mà bạn thiết lập cho học sinh:

– Trong những trường hợp nào, học sinh cảm thấy được tôn trọng, có giá trị và là một phần của cả nhóm?

– Trong những trường hợp nào, học sinh được làm chủ lớp học? Họ có bao giờ được quyết định về học liệu, môi trường hay thời gian? Khi nào? Có thường xuyên không?

– Họ có làm chủ được việc học của họ không? Họ có quyền lựa chọn khi thực hiện dự án, nhiệm vụ và chọn cộng sự khi làm việc nhóm không?

– Khi nào thì học sinh cảm thấy thoải mái thể hiện bản thân, quan điểm và ý tưởng? Khi nào thì họ không?

– Khi nào bạn khảo sát về nhu cầu của học sinh? Bạn có thường xuyên làm việc đó không? Bạn có thường xuyên kiểm tra độ hiểu bài của các nhóm và điều chỉnh việc dạy của mình không?

– Cách sắp xếp bàn thì thế nào? Các học sinh có đối mặt với nhau không? Họ có nhiều cơ hội đa dạng mỗi tuần để chia sẻ với bạn thân cùng lớp và với các bạn khác không?

Với tư cách người hướng dẫn, thời gian “lên sóng” của tôi ở đâu trong mỗi lần lên lớp? Có bao nhiêu chỉ dẫn? Tôi có thể thay đổi từ dạy học trực tiếp sang tạo điều kiện như thế nào? (Đây là một bài tôi đã viết về chủ đề này: Làm thế nào để chuyển hóa sự hướng dẫn trực tiếp.)

Cân bằng vai trò của giáo viên

Hãy thảo luận về câu hỏi cuối cùng, đặc biệt là mối tương quan giữa hướng dẫn trực tiếp và tạo điều kiện. Khi cân nhắc các phương pháp dạy học, “sự cân bằng” là từ khóa. Nếu chúng ta lật lại công trình nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục Grant Wiggins và Jay McTighe cũng như cuốn sách sau này, Hiểu biết thông qua làm đồ án (UbD), họ đề xuất các nhà giáo dục ứng dụng phương pháp mà trong đó, họ cân đối được ba vai trò của việc dạy học:

Tạo điều kiện: đặt câu hỏi mở, nêu vấn đề, thảo luận kiểu Socrate và yêu cầu mang tính định hướng

Hướng dẫn trực tiếp: minh họa, làm mẫu và diễn giải

Huấn luyện: cung cấp phản hồi,  trao đổi quan điểm và luyện tập theo hướng dẫn

Làm thế nào để quyết định vai trò của giáo viên và học sinh? Khi thiết kế bài học cho học sinh, bạn hãy nhớ điều này: Cần phải cân bằng giữa sự tự nhận ra bản chất vấn đề của học sinh và sự hướng dẫn của giáo viên.

Nói cách khác, bạn cần cho học sinh thấy “nguyên liệu” và “cách chế biến”, nhưng bạn cũng cần để học sinh tự khám phá, thử nghiệm và luyện tập kể cả khi họ không đạt được điểm hoặc mục tiêu. Nghiên cứu giáo dục đã nhiều lần cho ta thấy rằng tất cả người học (trẻ hay già) đều cần thời gian để trải nghiệm, tìm ra bản chất của nội dung, ý tưởng và nhận thức mới cùng với sự huấn luyện và chỉ dẫn (với mức độ độc lập nhất định).

Tác giả: Rebecca Alber (Ban cố vấn tổ chức Edutopia)

Người dịch: Đặng Thanh Hiền