Nếu một phương pháp giảng dạy tạo nên thành công trong quá trình học tập của học sinh thì liệu có thể kết hợp các phương pháp để thành công hơn nữa không? Có một phương pháp kết hợp thuyết minh và tương tác, gọi là trao quyền chủ động.
Thuật ngữ “trao quyền chủ động” có nguồn gốc từ một báo cáo về kĩ thuật dạy học (# 297) Hướng dẫn Đọc hiểu của P. David Pearson và Margaret C. Gallagher.
Báo cáo đã giải thích phương pháp thuyết minh có thể được xem như là bước đầu tiên trong phương pháp trao quyền chủ động:
“Khi giáo viên chiếm toàn bộ hoặc phần lớn trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ học tập, anh ta đang “làm mẫu” hoặc thuyết minh về sự vận dụng quen thuộc một số chiến thuật” (35).
Bước đầu tiên trong phương pháp này thường là giáo viên sử dụng mẫu câu “Tôi làm…” để chứng minh một khái niệm.
Bước thứ hai thường là sự kết hợp của các loại hình hợp tác khác nhau giữa giáo viên và học sinh hoặc giữa các học sinh, sử dụng mẫu câu “Chúng tôi làm…”.
Bước thứ ba thường sử dụng mẫu câu “Bạn làm…”, trong đó một hoặc nhiều học sinh làm việc độc lập.
Pearson và Gallagher đã giải thích kết quả của sự kết hợp hai phương pháp thuyết minh và tương tác như sau:
“Khi học sinh chiếm toàn bộ hoặc phần lớn trách nhiệm đó, em ấy đang “thực hành” hoặc “vận dụng” các chiến thuật. Kết quả của tương tác hai chiều này chính là sự trao quyền chủ động từ giáo viên sang học sinh, hoặc [theo Rosenshine] có thể gọi là “thực hành có hướng dẫn” (35).
Mặc dù mô hình trao quyền chủ động bắt nguồn từ nghiên cứu quá trình đọc hiểu, phương pháp này hiện nay được công nhận là một phương pháp giảng dạy có thể giúp giáo viên chuyển từ bình giảng sang mô hình lớp học lấy học sinh làm trung tâm do học sinh học tập hợp tác và thực hành độc lập.
Các bước tiến hành phương pháp trao quyền chủ động
Giáo viên khi sử dụng phương pháp này vẫn có vai trò chính khi dẫn dắt vào bài hoặc giới thiệu một vấn đề mới. Giáo viên nên bắt đầu, như mọi tiết học bình thường, bằng cách thiết lập mục tiêu bài học.
Bước 1 (“Tôi làm”): Ở bước này, giáo viên sẽ trực tiếp hướng dẫn học sinh nắm bắt một khái niệm bằng cách làm mẫu. Trong quá trình, giáo viên có thể nói to suy nghĩ của mình để làm mẫu cho học sinh. Giáo viên có thể thu hút sự chú ý của học sinh bằng cách thuyết trình về một nhiệm vụ hoặc đưa ra các ví dụ. Phần hướng dẫn trực tiếp này sẽ thiết lập trình tự cho bài học, vì vậy sự tham gia của học sinh là rất quan trọng. Một số nhà giáo dục cho rằng tất cả học sinh nên ghi chép lại trong khi giáo viên làm mẫu. Việc lôi kéo sự tập trung của học sinh có thể hữu ích đối với những em cần thêm thời gian để xử lý thông tin.
Bước 2 (“Chúng tôi làm”): Ở bước này, giáo viên và học sinh tham gia giảng dạy tương tác. Một giáo viên có thể làm việc trực tiếp với học sinh thông qua những lời khuyên và gợi ý. Học sinh có thể làm nhiều hơn là chỉ lắng nghe; họ có cơ hội được thực hành. Giáo viên có thể cân nhắc làm mẫu thêm cho học sinh nếu cần thiết.
Việc sử dụng đánh giá không chính thức có thể giúp giáo viên quyết định xem cần phải hỗ trợ học sinh những gì. Nếu một học sinh bỏ lỡ một bước quan trọng hoặc yếu trong một kỹ năng cụ thể, giáo viên có thể hỗ trợ ngay.
Bước 3 (“Bạn làm”): Ở bước cuối cùng này, một học sinh có thể tự thực hành hoặc làm việc nhóm để chứng minh mình có hiểu bài. Khi làm việc nhóm, học sinh có thể quan sát các thành viên khác và chia sẻ kết quả thực hành với nhau, đây cũng là một hình thức giảng dạy. Ở cuối bước này, học sinh sẽ học hỏi được nhiều hơn từ bạn bè và hoàn thành nhiệm vụ học tập, trong khi ít phụ thuộc hơn vào giáo viên.
Ba bước của phương pháp trao quyền chủ động có thể được hoàn thành trong một tiết học.
Phương pháp giảng dạy này diễn ra cùng với quá trình mà giáo viên dần trao quyền chủ động trong lớp học cho học sinh. Giáo viên có thể tiến hành phương pháp này trong một tuần, một tháng hoặc một năm. Khi đó, học sinh được phát triển năng lực để trở thành những người học độc lập.
Những ví dụ về phương pháp trao quyền chủ động trong các lĩnh vực nội dung
Phương pháp trao quyền chủ động có thể được áp dụng vào tất cả các lĩnh vực nội dung. Quá trình này được tiến hành lặp lại ba hoặc bốn lần và được sử dụng trong những lớp học tích hợp nhiều nội dung để củng cố chiến thuật học tập độc lập ở học sinh.
Ví dụ, ở bước 1, đối với lớp 6, tiết học theo mô hình “Tôi làm” bắt đầu bằng việc giáo viên cho học sinh xem trước một nhân vật và nói to suy nghĩ của mình: “Tác giả làm thế nào để giúp tôi hiểu về các nhân vật?”
“Tôi biết những điều nhân vật nói rất quan trọng. Tôi nhớ là nhân vật này, Jeane, nói gì đó về một nhân vật khác. Tôi nghĩ cô ấy thật tệ. Nhưng tôi cũng biết những điều mà nhân vật nghĩ cũng quan trọng không kém. Tôi nhớ là Jeane cảm thấy rất buồn sau khi nói những lời kia.”
Sau đó, giáo viên có thể cung cấp dẫn chứng từ văn bản để củng cố thêm quan điểm vừa nêu.
“Điều đó có nghĩa là tác giả cung cấp nhiều thông tin hơn bằng cách cho phép chúng tôi đọc được những suy nghĩ của Jeane. Đúng vậy, trang 84 cho thấy Jeane cảm thấy có lỗi và muốn xin lỗi.”
Trong một lớp Đại số 8, bước 2 (“Chúng ta làm”) được tiến hành như sau: Học sinh làm việc nhóm để giải các phương trình đa bậc như 4x + 5 = 6x – 7 trong khi giáo viên đi quanh lớp và giải thích cách làm cho học sinh. Học sinh có thể được cung cấp nhiều cách giải khác nhau cho cùng một bài toán.
Cuối cùng, bước 3 (“Bạn làm”) được vận dụng vào khâu cuối cùng trong tiết thí nghiệm Hóa học lớp 10. Học sinh sẽ xem giáo viên trình bày thí nghiệm. Họ cũng phải luyện tập các thao tác xử lý vật liệu và bảo đảm an toàn với giáo viên vì các hóa chất/ vật liệu cần phải được xử lý cẩn thận. Họ sẽ thực hành thí nghiệm với sự trợ giúp của giáo viên. Bây giờ thì họ đã sẵn sàng làm việc nhóm để tiến hành thí nghiệm một cách độc lập. Họ cũng phải ghi chép lại các bước tiến hành thí nghiệm trong bản báo cáo.
Bằng cách vận dụng phương pháp trao quyền chủ động, học sinh được tiếp cận với nội dung bài học từ 3 lần trở lên. Sự lặp lại này tạo điều kiện cho học sinh luyện tập các kĩ năng hoàn thành nhiệm vụ học tập. Họ cũng sẽ ít đặt câu hỏi hơn vì bây giờ họ được tự thực hành thay vì chỉ biết làm theo hướng dẫn một cách máy móc.
Đa dạng các hình thức tiến hành phương pháp
Có một số mô hình khác cũng sử dụng phương pháp trao quyền chủ động.
5 thói quen mỗi ngày, một mô hình tương tự, được sử dụng trong các trường tiểu học và trung học cơ sở. Trong một bài báo có tựa đề Các chiến thuật hiệu quả trong giảng dạy và học tập độc lập đối với môn Ngữ văn (2016), Tiến sĩ Jill Buchan giải thích:
“5 thói quen mỗi ngày là một dạng thời gian biểu giúp học sinh phát triển thói quen đọc, viết và làm việc độc lập.”
Trong 5 thói quen mỗi ngày, học sinh được chọn một trong năm mục đọc và viết được thiết lập ở các trạm: đọc thầm, viết, đọc to, học từ vựng và nghe – đọc.
Bằng cách này, học sinh tham gia vào việc đọc, viết, nói và nghe hàng ngày. 5 thói quen mỗi ngày chỉ ra 10 bước trong việc dạy học vận dụng phương pháp trao quyền chủ động đối với học sinh nhỏ tuổi:
- Xác định nội dung giảng dạy
- Thiết lập mục tiêu và tạo động lực
- Ghi lại sự kì vọng của giáo viên trên biểu đồ hiển thị cho tất cả học sinh biết
- Làm mẫu các hành vi được kì vọng nhất trong 5 ngày
- Làm mẫu các hành vi không mong muốn nhất và sau đó sửa lại thành hành vi được kì vọng nhất (ở cùng một học sinh)
- Sắp xếp chỗ ngồi của học sinh trong lớp
- Thực hành và tạo dựng thói quen
- Cố gắng không can thiệp vào hành vi của học sinh (trừ khi cần thiết hoặc khi thảo luận)
- Ra dấu yên lặng để học sinh quay trở về nhóm của mình
- Tiến hành kiểm tra từng nhóm và hỏi học sinh: “Mọi việc diễn ra thế nào?”
Những lí thuyết cơ sở của phương pháp
Phương pháp trao quyền chủ động đưa ra các nguyên tắc chung về học tập:
- Học sinh học tập tốt nhất thông qua thực hành chứ không chỉ xem hoặc nghe người khác.
- Sai lầm là một phần của quá trình học tập; càng thực hành nhiều, càng ít sai lầm.
- Kiến thức và kỹ năng nền tảng tạo ra sự khác biệt giữa những học sinh, điều đó cũng có nghĩa là sự chuẩn bị cho việc học cũng khác nhau ở từng học sinh.
Đối với các nhà khoa học, việc trao quyền chủ động cho người học được đặt ra trên cơ sở lý thuyết của các nhà lý luận về hành vi xã hội. Các nhà giáo dục đã kế thừa thành quả nghiên cứu của họ để phát triển hoặc nâng cao phương pháp giảng dạy.
- Piaget’s (1952) “Nguồn gốc của trí tuệ ở trẻ em” (cấu trúc nhận thức)
- Vygotsky’s (1978) “Tương tác giữa Học tập và Phát triển” (các vùng phát triển)
- Bandura (1965) “Ảnh hưởng của các yếu tố ngẫu nhiên trong mô hình học tập đến việc tiếp nhận phản xạ bắt chước” (sự chú ý, sự duy trì, sự bắt chước và động lực)
- Wood, Bruner, và Ross’s (1976) “Vai trò của việc dạy kèm đối với khả năng giải quyết vấn đề” (hướng dẫn chung)
Phương pháp trao quyền chủ động có thể được sử dụng trong tất cả các nội dung. Nó đặc biệt hữu ích đối với giáo viên trong việc kết hợp dạy học phân hóa vào tất cả các nội dung giảng dạy.
Đặng Thanh Hiền dịch