Có khi nào bạn nghĩ, việc cho điểm 10 lại tạo ra tác động không tốt với quá trình học tập của học sinh? Điều đó có thể lắm chứ. Trong các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, việc cho điểm (thậm chí là điểm cao) không có nhiều tác động trong việc tạo ra động lực thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Chính vì vậy, với tư cách là một giáo viên, đã đến lúc nghĩ đến việc hạn chế chấm điểm và sử dụng các hình thức phản hồi khác, hiệu quả hơn.

Dưới đây là một số cách giáo viên có thể cung cấp phản hồi hiệu quả cho học sinh mà không cần cho điểm.

  1. Viết thư cho học sinh

Có thể bạn sẽ không có đủ thời gian để làm công việc này hàng ngày hoặc thậm chí hàng tuần, nhưng việc viết thư cho học sinh lại là cách phản hồi hiệu quả giúp tạo nên một nguồn động lực tuyệt vời với người học. Bởi lẽ, học sinh luôn muốn nhận được sự quan tâm từ giáo viên, muốn được cảm thấy đặc biệt, được tôn trọng và lắng nghe. Dù ở độ tuổi nào, học sinh cũng muốn biết rằng giáo viên quan tâm đến chúng và việc học của chúng. Bạn có thể viết cho học sinh một lá thư để nói về những gì học sinh đang làm tốt, chỉ cho chúng thấy chúng đã tiến bộ như thế nào và những điểm mà học sinh cần phải cải thiện hoặc đầu tư thời gian hơn. Hãy cố gắng sử dụng các nhận xét mang tính xây dựng, kết hợp giữa lời khen, lời khuyến khích, và những góp ý chân thành, chắc chắn học sinh sẽ đón nhận những phản hồi của bạn. Và chắc chắn học sinh cũng sẽ cảm thấy có nhiều kết nối hơn với giáo viên. Thậm chí, nhiều học sinh còn đọc đi đọc lại lời động viên của bạn khi chúng cần một sự khuyến khích.

  1. Trao đổi trực tiếp với học sinh

Một lần nữa, việc dành thời gian cá nhân với học sinh sẽ cho chúng nhận thấy rằng bạn quan tâm tới chúng. Khi gặp trực tiếp học sinh, bạn có thể đưa ra phản hồi chi tiết, cụ thể được cá nhân hóa. Học sinh cũng cảm thấy thoải mái hơn để đặt những câu hỏi mà chúng có thể không dám hỏi trước cả lớp. Học sinh cũng có thời gian để tìm thấy câu trả lời dành riêng cho mình. Việc trao đổi trực tiếp, cũng giúp học sinh có cơ hội được củng cố, bổ sung, rút kinh nghiệm cho những điểm mà mình làm chưa tốt.

  1. Cho học sinh tự đặt ra các mục tiêu và tự đánh giá

Thay vì đặt ra cho học sinh các mục tiêu và sau đó đánh giá xem chúng có đạt được mục tiêu đó hay không, giáo viên hãy cân nhắc để học sinh tự chịu trách nhiệm về điểm số của mình. Hãy nói với học sinh: “Nếu bạn làm tất cả những điều trong danh sách này, bạn sẽ nhận được điểm 10” Khi học sinh biết trước các tiêu chí chấm điểm tương ứng với mỗi mức điểm, chúng sẽ làm việc chăm chỉ để đạt được điểm số mà muốn. Vào cuối học kỳ, học sinh sẽ tự biết được điểm số của mình và lý do vì sao mình đạt điểm số như vậy. Lúc đó, vai trò của giáo viên sẽ tập trung vào việc đảm bảo học sinh đang xác định các mục tiêu phù hợp với năng lực của chúng.

  1. Dùng các tờ giấy note để phản hồi cho học sinh

Bạn không có đủ thời gian để viết phản hồi lên giấy note cho tất cả học sinh, nhưng trong một số trường hợp, cách làm này có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong kết quả học tập của học sinh. Trong quá trình quan sát học sinh làm việc, bạn nhận ra những điểm học sinh làm tốt hoặc những điểm học sinh cần lưu ý, hãy viết nó lên tờ giấy note cùng với tên học sinh. Bạn cũng có thể viết các yêu cầu, giao mục tiêu hàng ngày cho học sinh lên tờ giấy note giao cho học sinh vào cuối giờ học. Một ý tưởng khác cũng khá thú vị, đó là sau khi tất cả học sinh đã rời khỏi lớp học về nhà, hãy dán tờ giấy note lên bàn của học sinh. Vào buổi sáng hôm sau, khi học sinh đến lớp chúng sẽ nhận được một mục tiêu riêng trong ngày và biết chính xác những việc cần làm để thành công trong lớp học.

  1. Tổ chức các hoạt động trao đổi và thảo luận

Điều này đặc biệt hiệu quả khi bạn chấm điểm các nhiệm vụ học tập dựa trên phiếu tự đánh giá. Hãy phát cho mỗi học sinh một phiếu chấm điểm và yêu cầu chúng dành vài phút để tự đánh giá. Mỗi học sinh sẽ cho biết mình đang ở vị trí nào so với thang điểm mà giáo viên đã đặt ra? Giáo viên cũng dành thời gian để cho điểm từng học sinh theo phiếu tự đánh giá. Sau khi học sinh đã có thời gian để tự nhận xét về sản phẩm của mình, hãy tổ chức một cuộc thảo luận (cá nhân hoặc toàn lớp). Yêu cầu học sinh cho biết chúng đang đạt được mức điểm nào. Nếu bạn đồng ý với mức điểm mà học sinh chấm, hãy giải thích lý do tại sao bạn cho rằng học sinh đã đánh giá đúng. Và sau đó cho điểm chính thức vào sổ. Nếu điểm số của học sinh không phù hợp, hãy chia sẻ quan điểm của giáo viên về cả những điểm tích cực và tiêu cực trong bài làm của học sinh. Sau đó, yêu cầu học sinh xem xét lại xem chúng nhận được mức điểm nào. Bạn cũng nên yêu cầu học sinh chia sẻ lý do tại sao chúng nghĩ rằng chúng xứng đáng với điểm số đó và đánh giá lại quyết định của mình nếu cần. Trong một số trường hợp, bạn cần tiếp tục thảo luận cho đến khi thống nhất được mức điểm phù hợp cho học sinh.

Điểm số (dù điểm tốt hay xấu) nó cũng đều có tác động làm giảm sự tham gia và động lực học tập của học sinh. Hãy thử một cách tiếp cận khác để đánh giá và xem học sinh của bạn có thể làm gì để cải thiện những điểm chưa tốt và phát huy những điểm đã làm tốt.

Táo Giáo Dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *