Để việc đánh giá có thể “đo” được mức độ hiểu biết của người học có thể là điều phức tạp nhất mà một giáo viên hoặc một nhà trường phải làm.
Thật không may, quá trình đào tạo chuyên môn của giáo viên lại không thực sự chú trọng đến việc phát triển các công cụ và hình thức đánh giá chất lượng.
Làm thế nào để các đánh giá có thể xác định đúng mức độ hiểu biết hiện tại của học sinh và đề xuất bước tiếp theo giúp học sinh có thể cải thiện. Nói cách khác, học sinh biết được những gì và tôi nên phản hồi cho học sinh như thế nào?
Việc trả lời câu hỏi này, sẽ gắn liền với việc đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy. Một trong số những ý tưởng của Richard và Rebecca DuFour là thay đổi nền giáo dục từ dạy sang học – đây được coi là một xu hướng quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ.
Tuy nhiên, ngay cả với sự thay đổi này từ chương trình, việc dạy và các hành động của giáo viên, thậm chí với hồ sơ học sinh, quá trình đánh giá và học tập vẫn xảy ra những nhầm lẫn.
Lập kế hoạch học tập
Trong một khung học tập truyền thống (và có lẽ là không xác định), các mục tiêu học tập được xác định, ưu tiên, lập sơ đồ và theo trình tự nhất định. Các đánh giá được đưa ra dưới dạng công cụ cung cấp dữ liệu để sửa đổi việc dạy đã định trong kế hoạch.
Tiếp theo, trong một nhóm cộng tác, giáo viên tham gia phân tích dữ liệu (điểm số) theo các tiêu chí, xác định xu hướng và khả năng, phân hóa học tập sao cho phù hợp với từng người học, đi kèm chiến thuật giảng dạy dựa trên nghiên cứu.
Sau đó, mức độ hiểu biết của học sinh được đánh giá lại, sự thiếu sót được khắc phục thêm – sàng lọc, lặp lại – cho đến khi người học đưa ra bằng chứng xác thực cho mức độ hiểu và nắm kiến thức của bản thân. Nhưng ngay cả với những nỗ lực của Héc-quyn này vẫn là không bao giờ đủ vì chính bản chất của sự hiểu biết.
Xác định mức độ hiểu biết
Trong loạt bài Hiểu biết thông qua thiết kế, Grant Wiggins và Jay McTighe thảo luận về việc lảng tránh thuật ngữ “hiểu” thông qua tham khảo Thang đo của Harold Bloom về mục tiêu giáo dục: Miền nhận thức, một dự án sách kết thúc vào năm 1956 của TS. Benjamin Bloom cùng các đồng nghiệp.
Wiggins và McTighe trích dẫn: Bloom giải thích:
“. . . một số giáo viên tin rằng học sinh nên ‘thực sự hiểu’, những người khác lại mong muốn học sinh ‘chuyển hóa tri thức’, một số lại kì vọng học sinh ‘nắm được cốt lõi hay bản chất.’ Tất cả chúng có cùng ý nghĩa không? Cụ thể, một học sinh làm gì để ‘thực sự hiểu’ điều mà em không làm khi không hiểu? Qua việc tham chiếu với Thang đo. . . giáo viên nên học cách xác định những thuật ngữ thô cứng đó.”
Wiggins và McTighe tiếp tục nói rằng “hai thế hệ biên soạn chương trình đã được cảnh báo để tránh thuật ngữ “hiểu” trong khi viết khung chương trình của họ, đó là kết quả của các cảnh báo trong thang đo.” Tất nhiên, Hiểu biết thông qua thiết kế (UbD) thực tế được xây dựng dựa trên một số quan niệm then chốt, trong số đó có nhiệm vụ phân tích sự hiểu biết và sau đó lập kế hoạch cho nó thông qua thiết kế ngược. Nhưng để lần ngược về bức tranh tổng thể thì có một chút rắc rối.
Học tập bao gồm nhiều yếu tố: thiết kế đánh giá, tiêu chuẩn học tập, củng cố mục tiêu học tập cho mỗi tiêu chuẩn, ý tưởng lớn, các câu hỏi cần thiết, chiến thuật giảng dạy – và quá trình cứ kéo dài bất tận, chóng mặt. Tại sao lại có quá nhiều thứ “vụn vặt” trong một mối quan hệ tương đối đơn giản giữa người học và nội dung? Bởi vì rất khó để kết luận “hiểu biết” là gì – nó trông như thế nào, người học có thể nói hoặc làm gì để chứng minh rằng họ thực sự hiểu.
Wiggins và McTighe tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Hãy chú ý đến xu hướng sử dụng những từ hiểu và biết thay thế cho nhau, chúng ta nên tách bạch giữa kiến thức và sự hiểu biết?”
Lựa chọn thay thế cho Thang đo của Bloom Wiggins và McTighe cũng đưa ra một phương án hữu ích mà họ gọi là “6 cấp độ hiểu biết”, thay thế (hoặc bổ sung) cho Thang đo của Bloom. Trong hệ thống này, người học chứng tỏ họ “hiểu” nếu họ có thể:
- Giải thích
- Diễn giải chi tiết
- Vận dụng
- Đưa ra quan điểm
- Ứng biến
- Tự nhận thức
Robert Marzano cũng nêu quan điểm về sự hiểu biết với “Thang đo mới” của mình, sử dụng ba hệ thống và miền tri thức:
- Hệ thống tự thân
- Hệ thống siêu nhận thức
- Hệ thống nhận thức
- Miền tri thức
Hệ thống nhận thức gần nhất với phân loại truyền thống, với các động từ mô tả hành động của người học như nhắc lại, tổng hợp và khảo sát thực nghiệm.
Trên TeachThought, chúng tôi thậm chí đã thiết kế một Thang đo học tập riêng, cung cấp hàng chục cách mà học sinh có thể chứng minh mức độ hiểu biết.
3 chiến thuật để chứng minh sự hiểu biết
Tất nhiên, không có giải pháp cho tất cả các vấn đề này, nhưng có những chiến thuật mà các giáo viên có thể sử dụng để giảm thiểu sự nhầm lẫn – và hy vọng có thể nâng cấp nó thành bộ công cụ đánh giá.
1) Đầu tiên là nhận thức được sự mơ hồ của thuật ngữ “hiểu” và không tiến hành diễn giải nó bằng những từ, cụm từ quá đơn giản như “họ nắm được” hay “thành thạo”. Thực tế, ranh giới của sự “hiểu” không chỉ không diễn tả được mà còn luôn thay đổi.
Còn các tiêu chuẩn? Chúng cũng linh hoạt. Còn sự điều chỉnh theo trục dọc? Vụng về và không đầy đủ.
Đây là thực tế.
2) Thứ hai, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rằng kết quả kiểm tra không thể đo được hiểu biết thực sự của một người; đây là sự thực. Nếu cộng đồng chỉ hiểu việc đánh giá có thể không hoàn hảo – tốt thôi, họ có thể trục xuất tất cả chúng ta khỏi thành phố vì đã cào bằng điểm số và chuyên môn trong từng ấy năm.
3) Nhưng có lẽ điều tốt nhất bạn có thể làm để chống lại khái niệm hiểu biết linh hoạt là sử dụng đa dạng các hình thức đánh giá. Sau đó – phần này rất quan trọng – xem xét kết quả của từng giai đoạn đánh giá đó một cách công tâm nhất có thể.
Sơ đồ tư duy trên phiếu kiểm tra đầu ra chứng minh khá rõ mức độ hiểu biết so với câu hỏi trả lời mở rộng trong kỳ thi. Trên thực tế, tôi luôn nghĩ về việc lập kế hoạch, không phải với các câu đố và bài kiểm tra mà là một môi trường đánh giá thực sự, nơi các “khoảnh khắc” nhận thức diễn ra thường xuyên đến mức trở thành một phần của quá trình học tập.
Tần suất và sự lặp lại này cũng có thể cắt giảm thủ tục kiểm tra và tạo điều kiện đánh giá phản hồi siêu nhận thức, chẳng hạn như “Thế thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra? Bây giờ thì thế nào?”
Nếu bạn có thể hiển thị tất cả các kết quả đánh giá – chính thức và không chính thức – sao cho dễ thấy nhất trong quá trình học thì điểm số (người học cuối cùng cũng nhận ra rằng sự hiểu biết không bao giờ hiển lộ rõ ràng) thay đổi liên tục và năng động như trí tưởng tượng của riêng họ.
Đặng Thanh Hiền (TGD) dịch