Cơn ác mộng hàng đêm của tôi luôn liên quan đến cảnh ngày tựu trường: Tôi bước vào lớp, sẵn sàng để bắt đầu một năm học đầy thành công. Thế rồi, tôi nhìn thấy học sinh đang ném giấy, lấy ba lô choảng nhau và dùng bút đánh dấu không xóa được để vẽ tranh trên bảng tương tác của tôi.

Không cần biết tôi đã gặp học sinh hay phụ huynh chưa – cơn ác mộng này luôn luôn hiện hình ngay trước khi học kì bắt đầu. Có lẽ tiềm thức đang nhắc nhở rằng tôi cần phải có một hệ thống quản lí lớp học. Có thể đó là nỗi sợ sự mất kiểm soát. Hoặc có thể chung quy là nỗi bồn chồn của năm học mới (Tôi không quan tâm bạn đã đi dạy BAO LÂU, hầu hết giáo viên vẫn bị như thế hàng năm).

Dù là gì thì điều đó vẫn không giúp tôi ngủ ngon mỗi tối, vì thế tốt hơn là tôi sử dụng thời gian ấy để chuẩn bị cách ứng phó của mình. Ít nhất tôi sẽ làm được gì đó, kể cả khi tôi không hiểu cặn kẽ tình huống.

Tại sao phải quản lí lớp học?

Bạn có thể gọi đó là quản lí lớp học hoặc quản lí hành vi – tôi sử dụng hai khái niệm này thay thế linh hoạt cho nhau.

Với tôi, khái niệm về quản lí lớp học tốt bao gồm một hệ thống nơi mà mọi người trong lớp biết được sự kì vọng, phương hướng và kết quả của hành vi.

Bạn ít nhất cũng nên chuẩn bị lại phương án quản lí hành vi của mình trong đầu trước khi đặt chân vào lớp.

Quản lí lớp học: tại sao và như thế nào?

Một kế hoạch quản lí lớp học gồm có những gì?

Kế hoạch quản lí lớp học của bạn nên được chia thành nhiều phần mà khi ghép chúng lại thì bạn có kế hoạch tổng thể.

  • Sự kì vọng/nội quy: Học sinh sẽ giúp bạn tạo ra nội quy lớp học chứ? Nếu có thì nội quy nào mà bạn thấy quan trọng? Cái nào bạn có thể linh động được? Bạn có hình dung được chính xác mình mong muốn học sinh phản ứng thế nào và KHÔNG phản ứng thế nào không?
  • Sự đóng góp tích cực và/hoặc tiêu cực của những kì vọng: Học sinh sẽ chịu trách nhiệm cá nhân, trong nhóm hay tập thể lớp? Có thể là sự kết hợp của cả ba?
  • Phương tiện hỗ trợ: Làm sao học sinh biết được họ đạt được hay chưa đạt được nội quy của lớp học? Có một trình tự cụ thể nào để học sinh làm theo không? Bạn có cần tài liệu đặc biệt để phục vụ cho kế hoạch của mình không (nhận xét mang về nhà, bảng đánh giá hành vi, phiếu đục lỗ, thẻ lật,…)?

10 chiến thuật quản lí lớp học

Sau đây là một danh sách sơ lược những ý tưởng về quản lí hành vi. Danh sách này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm – thực tế, có hàng trăm chiến thuật khác nhau, bạn cần phải tìm ra chiến thuật tốt nhất cho mình.

  1. Kinh doanh: Trong mô hình này, học sinh có thể tích điểm, điểm này mỗi tuần có thể đem ra mua những sản phẩm bán ở gian hàng của lớp. Điển hình như, phụ huynh đóng góp đồ đã sử dụng nhưng vẫn còn tốt cho gian hàng và thu “tiền lời”.
  2. Vé xổ số hoặc Bán đấu giá: Đây là một lựa chọn thực sự thú vị mà các đồng nghiệp đã đề xuất với cả nhóm tôi. Khi học sinh được “đánh giá là tốt”, họ có thể mua vé. Cuối tuần, tất cả học sinh có vé sẽ được đưa đến một trong các lớp học, nơi mà một giáo viên sẽ “đấu giá” những mặt hàng đã được đóng góp. Những học sinh chưa mua được vé sẽ do một giáo viên khác trông ở phòng học khác và thực hiện hoạt động khác một cách trật tự.
  3. Bảng thẻ lật: Thực tế là nhiều giáo viên sử dụng nó – hoặc một dạng thức của nó – hàng ngày. Một bảng treo các túi được đặt trong lớp học với mỗi túi dán tên một học sinh. Mỗi túi có những tấm thẻ được ghép bởi nhiều miếng có màu sắc khác nhau. Tất cả học sinh bắt đầu một ngày với cùng một màu. Trong ngày, học sinh “lật” thẻ dựa trên hành vi tốt hoặc không tốt được kiểm chứng.
  4. Phiếu đục lỗ: Mỗi đứa trẻ có phiếu đục lỗ riêng. Nếu học sinh có hành vi tích cực, họ nhận được một lỗ trên phiếu. Một khi phiếu đầy, học sinh được trao giải. Giải thưởng có thể là vật chất (kẹo, đồ chơi…) hoặc tinh thần (không phải làm bài tập về nhà, ăn trưa với giáo viên, thêm thời gian sử dụng máy tính…)

* Lưu ý: Cá nhân tôi thích sử dụng sự khuyến khích tích cực cho phương pháp này hơn, như tôi đã nói. Ngược lại, tôi cũng thấy những giáo viên khác sử dụng nó một cách tiêu cực.

  1. Nhận xét về nhà tích cực: Một cốc đựng các que kem có viết tên học sinh sẽ hiệu quả trong trường hợp này. Một ngày học trôi qua, bạn bốc bất kì một que trong cốc. Nếu học sinh đó đã hoàn thành nhiệm vụ và có một ngày tốt lành, hãy gửi một phiếu nhận xét về nhà hoặc gọi một cuộc điện thoại cho phụ huynh và đưa ra nhận xét tích cực về học sinh. Nếu học sinh đó chưa hoàn thành nhiệm vụ, cho que lại vào cốc. Cuối cùng bạn sẽ bốc hết tên học sinh và có thể bắt đầu lại.
  2. Hỗ trợ bằng công nghệ thông tin: Class Dojo, website Bouncing Balls, Kahoot, hoặc thứ gì đó tương tự.
  3. Đánh vần tên phần thưởng: Cả lớp chọn một phần thưởng, như là thêm giờ nghỉ hoặc liên hoan bỏng ngô. Mỗi ngày cả lớp phải thể hiện hành vi tốt, sau đó, bạn sẽ viết một chữ cái trong tên của phần thưởng lên bảng. Một khi tên của phần thưởng đã đủ chữ cái, học sinh giành được phần thưởng và bắt đầu cố gắng cho phần thưởng tiếp theo.
  4. Vòng xoay bất ngờ: Chọn vài cái túi và cho vào các túi những mẩu giấy nhỏ ghi tên phần thưởng (ngồi ở bàn giáo viên một ngày, làm lớp trưởng,…). Treo các túi lên một vòng xoay gắn ở một vị trí trong lớp. Mỗi ngày, chọn ra một “nhóm” học sinh có hành vi gương mẫu nhất, cho các em lấy một trong các túi trên vòng xoay.
  5. Sự khích lệ của tập thể: Mô hình này thực sự hiệu quả với học sinh có vấn đề về kiểm soát hành vi bản thân. Mục tiêu của lớp học là giúp những học sinh đặc biệt này đạt được kì vọng về hành vi – thông qua sự ủng hộ tích cực. Mỗi người trong lớp sẽ động viên học sinh đó trong suốt một ngày để em ấy tham gia vào nhiệm vụ. Cả lớp sẽ vỗ tay khi em ấy đạt mục tiêu hành vi cá nhân được đặt ra trước đó.
  6. Quản lí bằng cốc: Đặt 3 cái cốc nhựa chồng lên nhau: một xanh, một vàng, một đỏ. Khi học sinh được yêu cầu làm việc trật tự với một bạn khác, hãy để cốc xanh lên đầu. Nếu học sinh quá ồn ào, thay sang cốc vàng. Màu đỏ được đặt lên và học sinh phải làm việc im lặng cho đến khi cốc được đổi lại. Mô hình này hiệu quả cho cả lớp hoặc nhóm nhỏ.

Quản lí lớp học hiệu quả có thể thay đổi diện mạo năm này qua năm khác. Mỗi nhóm học sinh là độc nhất và mang lại những thử thách độc nhất. Cái gì có hiệu quả năm này, chưa chắc năm sau dùng được. Thử những ý tưởng quản lí lớp học mới hết lần này đến lần khác không chỉ buộc học sinh tham gia mà còn giúp bạn nhận thấy các giải pháp khác có thể tốt cho bạn.

Đặng Thanh Hiền dịch

Nguồn: https://organizedclassroom.com/classroom-management-how/