Khả năng suy ngẫm và động lực học tập của học sinh đến từ việc có ý thức về mục tiêu, tin rằng bản thân có giá trị, và được ghi nhận. Khi học sinh có được những điều này, chúng sẽ hình thành được động lực học tập và cải thiện kết quả học tập. Ngược lại, khi không có được các yếu tố trên, học sinh sẽ chán nản với việc học, thậm chí là bỏ học hoặc học một cách chống đối.
Có một số điều giáo viên nên biết và hiểu về học sinh vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc giảng dạy của chúng ta (cũng như việc nuôi dạy con cái). Đó là các điều kiện cần thiết để học sinh học tập, vui vẻ, cảm thấy có động lực và nỗ lực vượt qua thử thách.
Giáo viên cần thấy hiểu được học sinh, thì càng biết cách tương tác và hỗ trợ học sinh nhiều hơn. Trong bài viết của mình “Nâng cao khả năng đồng cảm của giáo viên để cải thiện hành vi của học sinh”, nhà tâm lý học Robert Brooks nhấn mạnh rằng, cách để giáo viên tăng sự đồng cảm với học sinh của mình bằng cách liên tục tự đặt câu hỏi: “Tôi muốn học sinh sử dụng những từ nào để mô tả về mình?”
Dưới đây là một số câu hỏi, chúng có thể và nên được điều chỉnh cho học sinh ở các cấp học khác nhau. Việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ cho giáo viên biết được về những gì chúng ta cần làm để khơi dậy nguồn cảm hứng, tạo động lực và mang đến những điều kiện tích cực cho việc học tập của học sinh.
Các câu hỏi mà giáo viên nên sử dụng:
Giáo viên có thể viết những câu hỏi này ra các tấm thẻ, sau đó yêu cầu học sinh viết câu trả lời của chúng ở phía sau. Hoạt động này có thể thực hiện trong tuần đầu tiên của năm học. Mỗi ngày, giáo viên lại đặt ra các câu hỏi mới cho học sinh
– Điều gì giúp em cảm thấy được chào đón?
– Em muốn được mình chào đón như thế nào?
– Em có những điểm mạnh nào trong lớp ? điểm mạnh nào khi ở trường học?
– Em thích điều gì nhất về trường học?
– Em muốn lớp học/giáo viên thay đổi điều gì?
Một cách tiếp cận khác với những câu hỏi này là thực hiện một cuộc khảo sát và yêu cầu học sinh trả lời. Học sinh có thể ghi tên hoặc không để đảm bảo sự bí mật. Cách tiếp cận mang tính tương tác hơn là tổ chức hoạt động ngắn trước khi bắt đầu ngày học bằng cách cho học sinh thảo luận trong nhóm và đưa ra câu trả lời, sau đó chia sẻ câu trả lời của nhóm với lớp học.
Các câu hỏi để tạo dựng các mối quan hệ với học sinh:
Những câu hỏi này, giáo viên có thể áp dụng trong tuần thứ hai và thứ ba của năm học mới:
– Khi nào em cảm thấy em hiểu được hoàn toàn một bài/môn học nào đó? Điều đó có diễn ra thường xuyên không?
– Khi nào em cảm thấy em đang được lắng nghe?
– Khi nào em cảm thấy tiếng nói của mình được tôn trọng?
– Khi nào em cảm thấy được quan tâm?
– Khi nào em có cơ hội trở thành một nhà lãnh đạo?
– Khi nào em cảm thấy an toàn nhất/không an toàn?
– Khi nào em cảm thấy cười nói thoải mái khi ở trường?
Các câu hỏi sử dụng trong suốt năm học:
Giáo viên hãy sử dụng những câu hỏi này trong suốt năm học, và tổ chức các cuộc thảo luận để học sinh trình bày quan điểm qua đó tiếp tục tìm hiểu về học sinh. Thông qua các hoạt động này, giáo viên có thể xây dựng các kỹ năng tự suy ngẫm cũng như tạo nên động lực học tập cho học sinh:
– Đóng góp của em cho trường học là gì?
– Nhưng ai tin rằng em sẽ thành công?
– Điều gì xảy ra ở trường khiến em sợ? Bực bội? Thất bại?
– Khi nào em cảm thấy mình gặp khó khăn và được hỗ trợ?
– Điều gì truyền cảm hứng cho em ở trường?
– Ai giúp em khi em bị thất bại?
– Ai luôn vui vẻ nói chuyện với em?
– Khi nào em cảm mình bị nhầm lẫn hoặc không biết điều gì đó hoặc cách làm điều gì đó?
Tin tưởng, tương tác và phát triển
Thông thường, giáo viên phải mất một vài tuần trước khi học sinh hiểu rõ ràng về câu hỏi và đưa ra được các câu trả lời. Nhưng sau đó, học sinh sẽ biết ai tin tưởng vào sự thành công của chúng, ai vui vẻ nói chuyện với chúng và giúp chúng đứng dậy sau thất bại. (Và trong những tuần lễ đầu tiên đó, học sinh sẽ nhận thấy bạn là một giáo viên tuyệt vời khi chúng thấy được, bạn luôn tin cậy và ủng hộ chúng.)
Càng biết nhiều hơn về học sinh, chúng ta càng có thể giúp chúng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Điều này sẽ giúp học sinh tìm thấy động lực cho việc học của bản thân cũng như hình thành một thái độ tích cực đối với trường học.
Lê Hải Thanh (TGD) dịch