Mạng xã hội, không chỉ là thông tin về đời sống. Nó chính là đời sống, gắn liền với cuộc sống của nhiều học sinh và giáo viên. Giáo viên lên Facebook, Twitter, Zalo để nhận được sự tư vấn từ chuyên gia, đồng nghiệp. Instagram cung cấp các tài liệu trực quan về tiến độ làm việc của học sinh và hồ sơ lớp học. Tin nhắn và thông báo trên Facebook, ở một số trường học, thay thế hầu như vai trò của giấy tờ và cả email. Ở nhiều trường học, giáo viên có tài khoản mạng xã hội, không chỉ để lên kế hoạch bài giảng mà còn phục vụ các nhu cầu khác của họ.
Điều này hoàn toàn khác, thậm chí có thể nói là thực tế hơn, so với việc cấm các thiết bị di động trong lớp học trước đây.“Chúng ta sống trong một thế giới mà ai ai cũng có và sử dụng điện thoại. Nếu chúng ta thiết lập một phiên bản khác của thực tế trong lớp học, nó sẽ không đem lại nhiều lợi ích hơn cho học sinh.” (Jon Hamlin, giáo viên Kĩ thuật thông tin tại Trường Trung học Pinetree, Coquitlam, BC)
Phương tiện truyền thông mạng xã hội có thể được sử dụng hiệu quả trong những lĩnh vực khác nhau. Giáo viên đăng video ghi lại các bài giảng Toán trên YouTube. Học sinh học Địa lý và nghiên cứu xã hội bằng cách kết nối với học sinh trên toàn thế giới. Một số lớp học tham gia cuộc gọi video thông qua ứng dụng “Mystery Skype”. Hai lớp học trò chuyện với nhau, mà không cần biết chính xác địa điểm. Họ hỏi nhau để xác định điều đó.
Học sinh sử dụng mạng xã hội để tham gia vào các sự kiện lịch sử hoặc văn học. Họ có thể tạo một tài khoản Facebook giả cho nhân vật văn học hoặc các nhân vật lịch sử. Họ có thể liên lạc trực tiếp với tác giả của cuốn sách mà họ đọc hoặc tìm hiểu thêm về các nhà lãnh đạo chính trị hiện tại trên Twitter hoặc Skype. Đơn giản hơn, giáo viên có thể sử dụng mạng xã hội để giải thích sự giao tiếp khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau. Một giáo viên lớp 7 cho biết: Học sinh có thể không cần phải viết hoa hay viết hoa đúng cách khi nhắn tin hay dùng facebook, nhưng khi chúng nộp các bài viết quá facebook, chúng cần phải viết chuẩn chính tả trong bài tập được giao. Cô giải thích: “Khi gửi email cho sếp, bạn viết một kiểu, khi nhắn tin cho bạn bè, bạn viết một kiểu khác. Cả hai đều là giao tiếp nhưng có những quy tắc riêng cho từng trường hợp. Đó là điều quan trọng mà trẻ em cần biết và cần học.”
Giáo viên cũng cần phải hiểu các quy tắc sử dụng mạng xã hội. Nhiều người lo lắng quá nhiều rằng mạng xã hội có thể cản trở việc tư duy có ý thức. Nếu giáo viên muốn sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả trong lớp học, hãy dạy học sinh cách sử dụng nó hoặc vận dụng nó trong giảng dạy – khi đó, giáo viên cần tạm phá vỡ các quy tắc thông thường. Giáo viên cần suy nghĩ nghiêm túc về mục đích, cách thức sử dụng mạng xã hội và hướng dẫn học sinh làm theo.
Giáo viên chỉ nên sử dụng mạng xã hội như MỘT CÔNG CỤ giảng dạy nhằm nâng cao trình độ học tập của học sinh. Một giáo viên tiểu học đã viết:“Nếu nó không giúp học sinh của bạn tiến bộ, tại sao bạn lại sử dụng? Mạng xã hội có thể không phù hợp với bạn. Đừng làm điều đó chỉ bởi vì bạn đã tham gia một cuộc hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin và ai đó nói bạn nên/phải ứng dụng mạng xã hội vào công việc giảng dạy.”
Các mạng xã hội khác nhau được sinh ra để phù hợp với các nhiệm vụ khác nhau. Giáo viên cần sử dụng chúng cho hợp lý. Twitter có thể giúp giáo viên thu thập phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm từ các đồng nghiệp khác. Nhưng với các mô hình mở; học sinh ở các lớp khác nhau làm việc trong cùng một không gian thì Snapchat lại tỏ ra khá hiệu quả. Instagram có thể được sử dụng để giới thiệu các dự án lớp học giống như một không gian triển lãm.
Giáo viên cần sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm. Các giáo viên nên xem xét tài khoản cá nhân – thậm chí các bài viết từ nhiều năm trước – để đảm bảo nó phản ánh những gì bạn muốn người khác thấy. Và hãy hướng dẫn học sinh của mình làm như vậy, bởi lẽ “Người ta không cho em cơ hội để biện hộ hay phát ngôn một khi họ thấy nội dung trên mạng xã hội phản ánh không tốt về em. Họ sẽ không dừng lại và yêu cầu em giải thích. Họ sẽ chỉ đưa ra phán quyết và những giả thuyết.”
Giáo viên cũng cần giải thích rõ về cách thức hoạt động của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội trước khi hướng dẫn học sinh sử dụng chúng. Điều này có nghĩa là dạy học sinh cách làm chủ nội dung đăng tải và nhắc nhở học sinh rằng thông tin trên mạng lan truyền nhanh và xa như thế nào. Điều này rất cần thiết ngay cả khi giáo viên đang sử dụng mạng xã hội để dạy Toán hoặc Khoa học chứ không phải là một khóa học về phương tiện truyền thông cụ thể. Phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ, giống như máy tính và sách giáo khoa, “Chúng ta phải dạy học sinh những khái niệm nhất định về việc sử dụng các công cụ này trước.”
Một cách để thực hiện điều đó là cho học sinh quản lý tài khoản mạng xã hội của lớp học. Giáo viên có thể chia các học sinh của mình thành từng cặp. Mỗi cặp quản lí tài khoản facebook của lớp trong hai tuần – đăng bài vào thứ ba và thứ năm. Học sinh chỉ có thể đăng bài từ thiết bị của mình. Giáo viên sẽ chấp nhận tất cả các bài đăng. Mặc dù học sinh không được đánh giá điểm cho bài tập này nhưng đó là một cách để dạy chúng làm sao trở thành công dân mạng văn minh, một kỹ năng cần thiết trong một thế giới số. “Tôi nghĩ rằng một phần của việc giảng dạy về công dân mạng văn minh phải đến từ trường học. Cha mẹ có thể không có kiến thức hoặc thời gian để dạy các kỹ năng này cho con cái của mình và các giáo viên nhìn thấy hệ lụy của việc thiếu hiểu biết về mạng xã hội: bắt nạt trên mạng hoặc học sinh thất vọng khi họ hiểu nhầm các tin nhắn văn bản. (Nina Silver, giáo viên Trường Trung học Toronto)
Các phương tiện mạng xã hội làm gia tăng các mối quan hệ của giáo viên: họ thường trao đổi với các đồng nghiệp khác và sau đó là gặp mặt trực tiếp tại các hội nghị. Nhưng đối với nhiều học sinh, mạng xã hội chỉ gia tăng sự thất vọng và lo lắng cho các tương tác xã hội. Nếu điều này xảy ra, giáo viên cần phải hết sức lưu ý.
Học sinh ngày nay phần lớn đều có tài khoản Snapchat và Instagram nhưng không phải tất cả chúng đều sử dụng chúng một cách tích cực. Dường như học sinh khẳng định giá trị bản thân thông qua những ứng dụng này, selfie hàng chục lần trước khi đăng một bài mà chúng nghĩ sẽ nhận được sự chú ý nhất. “Học sinh đang coi các số liệu này là thước đo đáng tin. Tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu làm sáng tỏ điều đó. Chúng ta phải thừa nhận rằng không hoàn hảo cũng không sao.”
Giáo viên nên cho học sinh viết ra có những tài khoản mạng xã hội mà họ có. Sau đó, học sinh nên xác định số người mà chúng đã gặp mặt trực tiếp trong 12 tháng qua và số người mà họ đã nhắn tin trong tuần trước. Học sinh thường nhìn nhận các kết nối xã hội chỉ như những con số và họ mất sự tương tác cá nhân với người khác. Việc này có thể giúp học sinh suy nghĩ nghiêm túc về cách các ứng dụng đó ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ.
Giáo viên cũng nên chia sẻ chân thành với học sinh về những áp lực của mạng xã hội. Giáo viên có thể chia sẻ với học sinh những trải nghiệm của bản thân, gặp khó khăn khi không thể trả lời thư từ các giáo viên khác trong khi cô ấy đang nấu ăn. Nó tương tự như điều mà một số học sinh cảm thấy khi chúng không thể trả lời tin nhắn vào ban đêm vì bố mẹ không muốn họ dùng điện thoại quá khuya. Người lớn thường không nhận thấy mức độ cần thiết của các giao tiếp này, vì vậy họ không hiểu tại sao nó lại quan trọng đối với trẻ em.
Một giáo viên đã lập tài khoản Twitter của lớp học để giúp học sinh học cách kiểm soát áp lực đến từ mạng xã hội trước khi chúng bước vào trường trung học và áp lực gia tăng. Cô nói: “Là một giáo viên, bạn là người chỉ huy dẫn dắt con tàu. Bạn biết bạn muốn con tàu đến đâu nhưng bạn không tự mình lái nó mà nhờ học sinh giúp đỡ và khuyến khích chúng dạy cho nhau, đồng thời dạy cho bạn về những ngọn nguồn sức mạnh của chúng. Tôi nghĩ học sinh sẽ thực sự phấn khích và thích thú.”
Điều đó có thể tạo nên những chuyển biến tích cực, nếu giáo viên chỉ dẫn đúng cách. Trong vài năm qua, học sinh của Nicole Blais tại Trường tiểu học St. Mary ở Lloydminster, AB. đã trò chuyện qua Skype với các lớp học ở Uganda. (Trường có liên hệ với Làng Uganda, một tổ chức giáo dục trẻ em ở phía bắc và phía đông Uganda.)
Mạng xã hội giúp học sinh hiểu cuộc sống ở các nước khác. Blais nói: Sách giáo khoa chỉ có thể diễn giải rất nhiều; phương tiện truyền thông mạng xã hội thực sự có thể giúp học sinh “chạm” vào nỗi đói nghèo. “Tôi thực sự tin tưởng vào việc làm cho (học sinh) nhận ra rằng có hơn bốn bức tường xung quanh họ và đến lớp không phải chỉ để học kiến thức từ sách vở”, cô nói. Học sinh của cô đã gây quỹ hàng ngàn đô la cho học sinh Uganda, giúp trường học mua cửa sổ, cửa ra vào và sân chơi. Blais nói: “Học sinh thực sự thấy được sự khác biệt mà chúng đã tạo ra trong cuộc sống của người khác, mặc dù chúng có thể không biết rõ người đó hoặc không bao giờ gặp mặt người đó trực tiếp.”
Đó là một việc làm có ý nghĩa và nên được phát huy.
Meagan Gillmore
https://thuviengiangday.com dịch