Một lần, chúng tôi tình cờ phát hiện ra một phương pháp giáo dục rất hữu ích. Tôi
cảm thấy cần phải chia sẻ với mọi người. Cuốn sách mới của Meena Srinivasan,
Dạy, Hít thở, Học: Chánh niệm trong và ngoài lớp học, là một nguồn tham khảo.
Nó nói lên một ước muốn của giáo viên trên khắp đất nước: dạy học và làm việc
một cách hài hòa, bao dung, điều đó nhân đạo và chậm rãi hơn so với cách chúng
ta đang làm việc.

Điều mà Meena chia sẻ chân thành trong cuốn sách này là một lộ trình nằm thực
hiện ước muốn trên. Cô giới thiệu một loạt các phương pháp chánh niệm và sau đó
cung cấp rất nhiều nguồn tư liệu để giúp mọi người vận dụng vào cuộc sống và lớp
học. Bất cứ ai quan tâm đến việc thực hành chánh niệm trong trường học đều nên
đọc cuốn sách này.

Mặc dù kế hoạch bài giảng có thể rất hữu ích và các trích dẫn của học sinh thể hiện
quan điểm của họ trong cuộc thảo luận này nhưng câu chuyện của Meena, với tư
cách nhà giáo dục, gửi gắm trong bài viết này mới là điều tôi cảm thấy hứng thú
nhất. Nó khiến cho quyển sách này trở nên độc đáo. Ngay từ câu chuyện đầu tiên,
cô chia sẻ rằng cô nhận ra tâm trạng của bản thân đang ảnh hưởng đến học sinh, tôi
đã bị thu hút. Tôi cũng gặp tình huống tương tự. Tôi muốn biết điều gì xảy ra với
cô, cô đã vượt qua trải nghiệm rất phổ biến với giáo viên – luôn trong tình trạng
quá căng thẳng – như thế nào? Tôi muốn biết câu chuyện của cô ấy và những công
cụ mà cô ấy đã sử dụng. Bạn sẽ phải đọc cuốn sách để tìm hiểu xem họ là ai.
Trong thời gian chờ đợi, tôi muốn cho bạn biết chân dung của Meena và cuốn sách
của cô ấy qua cuộc phỏng vấn giữa tôi và cô. Tôi hy vọng rằng nó sẽ thu hút thêm
bạn đọc cho cuốn sách Dạy, Hít thở, Học.

Elena Aguilar: Bạn viết cuốn sách này nhằm hướng đến đối tượng độc giả
nào? Bạn hy vọng ai sẽ đọc nó?

Meena Srinivasan: Cuốn sách này là một món quà của tôi với cả trái tim và niềm
hi vọng rằng nó sẽ cung cấp công cụ, nguồn tư liệu và tạo cảm hứng cho bất cứ ai
quan tâm đến việc đưa chánh niệm vào cuộc sống của họ cũng như cuộc sống của
những người trẻ. Cuốn sách chứa đựng nhiều câu chuyện và ví dụ thực tế sẽ tạo
động lực và khả năng tiếp cận cho sự thực hành chánh niệm. Mặc dù cuốn sách
được viết theo quan điểm của tôi với tư cách là một nhà giáo dục, nội dung của nó
sẽ hữu ích cho bất cứ ai, đặc biệt là giáo viên, nhân viên chăm sóc và những người
làm việc trong môi trường giáo dục.

Bạn nghĩ chánh niệm có thể hữu ích cho giáo viên và nhân viên quản lí như
thế nào?

Chúng ta càng thực hành trong hiện tại với nhận thức tốt thì việc thực hiện nó càng
trở nên dễ dàng hơn – chất lượng quan trọng đối với các nhà giáo dục. Ngoại trừ các bác sỹ phẫu thuật, các giáo viên đưa ra nhiều quyết định hơn trong suốt thời
gian làm việc và nhu cầu của lớp học đòi hỏi chúng ta phải có cả sự tập trung và
bao quát tình hình.

Chánh niệm cho phép chúng ta kết nối sâu sắc với bản thể của mình để từ đó có thể
kết nối thực sự với người khác. Làm hiệu trưởng hoặc lãnh đạo nhà trường có thể
là một công việc rất cô đơn và việc thực hành chánh niệm có thể rất hữu ích trong
việc phát triển các mối quan hệ bền vững cần thiết nhằm dẫn dắt một trường học
thành công.

Khái niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau là cốt lõi của cách thức thực hành chánh niệm
trong cuốn sách của tôi. Qua nhiều năm, tôi đã thấy việc suy nghĩ về sự phụ thuộc
lẫn nhau khi làm việc với giáo viên và đồng nghiệp là rất hữu ích. Điều đó giúp
chúng ta thấy rằng trường học chỉ có thể được vận hành khi tất cả các bộ phận của
nó làm việc trôi chảy. Nếu một phần của hệ thống hoạt động kém, toàn bộ hệ thống
sẽ bị ảnh hưởng. Đôi khi có những thách thức giữa các bên khác nhau trong trường
học nhưng chúng ta nên nhớ rằng nếu không có chính phủ, thì phụ huynh, nhân
viên và học sinh, trường học của chúng ta sẽ không thể hoạt động. Chúng ta có thể
tạo sự tương tác với những người khác trong cộng đồng với lòng biết ơn và thấu
hiểu nhiều hơn.

Kể cho tôi nghe một câu chuyện về vai trò của chánh niệm trong cuộc sống cá
nhân hoặc nghề nghiệp của bạn?

Chánh niệm cho phép chúng ta phản hồi nhanh hơn và tránh nóng vội, hấp tấp.
Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bước chân vào lớp, tôi đã cảm thấy sâu sắc rằng:
“Chánh niệm có thể hiệu quả đối với lớp này!” Tôi đang giảng dạy một lớp hỗ trợ
học thuật tại một trường trung học quốc tế ở New Delhi, Ấn Độ. Lớp tôi gồm
những học sinh đến từ khắp nơi trên thế giới. Mỗi học sinh đều có những nhu cầu
đặc biệt khác nhau và tôi cần hỗ trợ tất cả họ.

Khi tôi nói với học sinh rằng chúng tôi đang tuyển trợ giảng để hỗ trợ thêm cho
lớp, một học sinh người Mỹ hô lên: “Em hy vọng không phải người Ấn Độ!”
Trong khoảnh khắc đó trái tim tôi chùng xuống. Tôi là một trong số ít các giáo
viên da màu tại trường quốc tế và là người duy nhất gốc Ấn Độ. Tôi cảm thấy vô
cùng thất vọng vì câu nói của em học sinh, sự tức giận và nỗi buồn vỡ ra bên trong
tôi.

Nếu là trước khi tôi thực hành chánh niệm, tôi sẽ cảnh cáo học sinh ấy rằng lời nói
của em là không thể chấp nhận được, nhưng bây giờ, khi đang thực hành chánh
niệm, tôi sẽ tự điều chỉnh cảm xúc. Nhận ra cảm xúc của mình đang bị chi phối, tôi
ngừng nói và hít thở sâu. Sau đó, thay vì quát học sinh, tôi sẽ lịch sự hỏi rằng tại
sao em không muốn một trợ giảng người Ấn Độ.

Học sinh giải thích rằng em khó nghe được tiếng Ấn Độ và điều đó khiến em gặp
khó khăn khi học. Khi em ấy giải thích, tôi nhận ra rằng em không có ý làm tổn
thương cảm xúc của tôi – một người Ấn Độ; thay vào đó, tôi nhìn thấy một cậu thiếu niên gặp khó khăn khi học, một cậu bé không ở Ấn Độ mà buộc phải đến đây vì công việc của cha mình – một cậu bé cảm thấy thất vọng, cần tình yêu của tôi và cần sự thừa nhận những cảm xúc của em. Từ đó trở đi, tôi đã đặt ra phương châm của mình là luôn luôn khuyến khích học sinh tham gia đối thoại để thực sự hiểu họ. Tôi nhận ra rằng chỉ khi tôi hiểu họ tôi mới có thể thực sự dạy họ.

Đôi khi, trong các trường học, chánh niệm được đem ra thảo luận như một
phương pháp giúp trẻ tập trung hơn, trở thành những học sinh giỏi hơn, như
là một phương thức để đạt được những kỹ năng học tập tốt hơn. Tôi đã từng
nghe nói có giáo viên sử dụng cái mà họ gọi là “chánh niệm” để giúp trẻ
chuẩn bị kiểm tra. Bạn nghĩ sao về cách tiếp cận này? Liệu nó có cùng chung
lí tưởng với những gì bạn đề xuất trong cuốn sách của mình?

Mặc dù chánh niệm có thể tạo điều kiện cho học tập bằng cách giúp học sinh tập
trung và tự điều chỉnh cảm xúc nhưng đây chắc chắn không phải là cách tiếp cận
của tôi khi chia sẻ chánh niệm với những người trẻ. Chánh niệm rất hữu ích vì nó
giúp chúng ta thấy rằng trong mỗi thời điểm chúng ta đều có sự lựa chọn; chúng ta
có thể chọn để thành thạo kỹ năng hơn và có những chiến lược cụ thể giúp chúng
ta đem lại hòa bình, tình yêu và niềm vui trong cuộc sống.

Nếu người đọc quyết định làm một điều gì đó sau khi đọc cuốn sách của bạn,
bạn hi vọng đó là gì?

Thứ giá trị nhất mà chúng ta có thể trao cho người khác là hạnh phúc của chính
mình. Điều mà tôi hi vọng độc giả sẽ làm sau khi đọc cuốn sách của tôi là phát
triển một phương pháp chánh niệm cá nhân để có thể tự luyện tập và tạo niềm hạnh
phúc cho bản thân. Đôi khi, không phải chỉ những gì bạn dạy mà còn là cách bạn
dạy, tình yêu và niềm vui đằng sau đó mới là ấn tượng mạnh mẽ nhất bạn có thể
đem đến cho học sinh.

Trước khi chia sẻ chánh niệm với học sinh, chúng ta cần có hiểu biết và trải
nghiệm về chánh niệm thông qua sự tự thực hành. Một khi bắt đầu phát triển
phương pháp thực hành của riêng mình, chúng ta sẽ thấy sự ảnh hưởng của nó tới
lớp học và mối quan hệ của chúng ta với người khác. Chánh niệm là một phương
thức khai mở khả năng phục hồi có sẵn trong mỗi người. Chúng ta không cần quá
nhiều thời gian trong một ngày để thực hiện chánh niệm. Dạy, Hít thở, Học là một
tài liệu hướng dẫn thiết thực mang lại sự nhận thức, tình yêu và năng lực cân bằng
trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nếu ai đó muốn tìm hiểu thêm và thực hành chánh niệm, ngoài việc đọc sách
của bạn, bạn có gợi ý nào cho họ không? Họ có thể bắt đầu ở đâu?

Tôi khuyên bạn nên tham dự một khóa tu. Bạn có thể liên hệ với danh mục cung
cấp thực hành chánh niệm trong mạng lưới giáo dục để biết thêm chi tiết. Bạn sẽ
ngạc nhiên bởi có rất nhiều sự lựa chọn.

ELENA AGUILAR
Đặng Thanh Hiền – https://thuviengiangday.com dịch