Chúng ta cần cảm xúc để suy nghĩ, giải quyết vấn đề và tập trung chú ý. Chúng ta có hệ thần kinh, để quá trình học tập diễn ra, não bộ phải tập trung và cảm xúc cần ở trong trạng thái cân bằng. Sự điều tiết cảm xúc là cần thiết để chúng ta có thể ghi nhớ, hồi tưởng, chuyển hóa và kết nối tất cả thông tin mới với những gì chúng ta đã biết. Khi một chuỗi liên tiếp các cảm xúc tiêu cực tấn công thùy trước trán của chúng ta, cấu trúc não bộ thay đổi, đẩy chúng ta vào một trạng thái phản ứng căng thẳng cao độ nơi nỗi sợ hãi, sự bực dọc, lo lắng, thất vọng và nỗi buồn lấn át óc tư duy logic của chúng ta.

Bộ phim Inside Out (2015) là bức tranh xuất sắc và chính xác về năm cảm xúc chủ yếu mà chúng ta có. Những cảm xúc này là niềm vui, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự tức giận và sự thù ghét. Bộ phim miêu tả cách chúng ta sử dụng các cảm xúc này khi những trải nghiệm khó khăn và hạnh phúc đến với mình; đồng thời cho thấy chúng ta cần cả những cảm xúc tiêu cực và tích cực như thế nào. Sau khi nhận ra tính khoa học ẩn chứa sau Inside Out, tôi đã phát triển các chiến thuật, bộ câu hỏi và các ý tưởng đánh giá dựa trên nghiên cứu về thần kinh học giáo dục, liên quan đến một số cảnh trong phim. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu bốn loại đại diện cho bộ não nhận thức và phát triển của tất cả trẻ em và thanh thiếu niên. Không có một công thức nào cho sự thành công của các chiến thuật này, mỗi chiến thuật sẽ phụ thuộc vào trình độ, thời gian chuẩn bị của giáo viên, giờ học và phần lớn vào sự hưởng ứng mà chúng ta tạo ra khi giới thiệu những khái niệm này với học sinh.

Sức bền của não bộ / Cảm nhận

Sức bền của não bộ là khả năng não kết nối, tăng cường con đường giữa các tế bào thần kinh đã được rèn luyện và sử dụng, đồng thời, làm suy yếu liên kết giữa các đường dẫn tế bào không được sử dụng hoặc phục hồi. Nối lại các mạng lưới tế bào não là thử nghiệm phụ thuộc vào việc chúng ta có thể thay đổi các khớp thần kinh hoặc các liên kết đang bị đào thải bằng cách thay đổi một nhận thức hoặc hành vi. Sức bền của não bộ bao gồm việc sắp xếp hoặc đánh giá lại một trải nghiệm, sự kiện hoặc mối quan hệ, từ đó nhận diện và đi đến một kết luận khác biệt. Cái chúng ta lĩnh hội và kì vọng là cái chúng ta đạt được. Cơ chế hoạt động của não là “nhìn thấy” và phản hồi lại sự nhận thức, chứ không phải sự thực. Tình trạng tiêu cực kéo dài của não bộ có thể trở thành những thuộc tính thần kinh cố định trong mạng lưới tế bào não. Sức bền của não là thông tin khả quan nhất từ khoa thần kinh học trong những năm gần đây.

Các quá trình củng cố trí tuệ cảm xúc được nhận định là một lĩnh vực đang phát triển thuộc Sinh thần kinh học liên cá nhân. Học thuyết về Sinh thần kinh học liên cá nhân cung cấp một bức tranh về sự phát triển trí tuệ của con người và tiềm năng chuyển hóa tồn tại trong sự thay đổi tư duy, xử lý cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Khái niệm trí tuệ cảm xúc có liên quan đến Sinh thần kinh học liên cá nhân và sự phát triển nhận thức toàn diện như là một chiến thuật đạt đến sự tích hợp lành mạnh của chức năng cảm xúc, tâm lý, sinh lý, và nhận thức.

Trong bộ phim Inside Out, chúng ta được xem những kí ức quan trọng. Tất cả chúng ta đều thường xuyên tạo ra kí ức nhưng điều khiến chúng trở nên quan trọng hoặc đáng nhớ là những cảm xúc được gắn với những sự kiện, trải nghiệm và các mối quan hệ trong quá khứ. Cảm xúc dẫn dắt sự chú ý và nhận thức của chúng ta. Chúng ta hình thành nên các kí ức cốt lõi tích cực hoặc tiêu cực chính bởi các cảm xúc mà ta gắn với sự kiện hoặc trải nghiệm.

Bộ phim cho chúng ta thấy những cảm xúc xáo trộn trong bộ não của cô bé Riley mười một tuổi. Các kí ức vui vẻ được đại diện bởi những quả bóng vàng. Mở đầu bộ phim, nỗi buồn của Riley làm ảnh hưởng đến những quả bóng vàng chứa kỷ niệm vui. Khi một kí ức cốt lõi màu vàng bị nỗi buồn chạm đến, màu vàng mờ dần thành màu xanh đậm và niềm vui biến thành sự sợ hãi. Sau đó, chúng ta học được thông qua các trải nghiệm phong phú của Riley rằng tông màu vàng và xanh dương đại diện cho niềm vui và nỗi buồn có thể kết hợp với nhau, thêu dệt sự tương phản đẹp đẽ để tạo ra một kí ức cốt lõi lâu dài. Những kí ức cốt lõi này được lưu trữ dài hạn và cuối cùng trở thành một phần của Quần đảo Nhân cách hoặc cái mà tôi đặt tên là Đảo Cá nhân.

Những câu hỏi dưới đây được thiết kế để kích thích sự sáng tạo và quá trình tư duy trong khi bạn tích hợp các chủ đề và tiêu chuẩn vào các cuộc họp buổi sáng, thảo luận nhóm buổi chiều và các vấn đề chuyên môn – khi đó, bạn nắm bắt được sức mạnh của cảm xúc và cách chúng ảnh hưởng sâu sắc đến việc học, các mối quan hệ và hành vi.

Các câu hỏi dành cho nhà giáo dục

  1. Những kí ức cốt lõi nào bạn có thể tạo ra trong lớp học, với học sinh và giáo viên? Những kí ức này có thể thuộc về cảm xúc, mang tính học thuật hoặc xã hội, phản ánh một mối quan hệ mới, một phương pháp mới để hoàn thành nhiệm vụ hoặc một dự án hợp tác.
  2. Làm thế nào để tạo nên những kí ức cốt lõi gây hứng thú, khơi gợi tò mò và đem lại niềm vui cho học sinh?
  3. Bạn có đang dạy học sinh về cấu trúc hệ thần kinh của họ?
  4. Học sinh có hiểu sự tiêu cực mà áp lực gây nên trong quá trình nhận thức khi họ học tập, ghi nhớ và thu thập thông tin?
  5. Chúng ta có thể bắt đầu một giờ học hoặc ngày học với bài kiểm tra cảm xúc không? Não bạn đang ở trạng thái như thế nào? Chúng ta có thể sử dụng thẻ ghi những cung bậc cảm xúc đơn giản với học sinh bé và thêm cả những cung bậc cảm xúc phức tạp hơn với học sinh lớn. Học sinh có thể bày tỏ cảm nhận khi bắt đầu tiết học và ghi ra những thay đổi trong suốt cả ngày học.

Các câu hỏi dành cho học sinh

Những câu hỏi sau đây được thiết kế để thúc đẩy sự tranh luận, thể hiện bản thân và tự nhận thức của học sinh. Các nghiên cứu của TS. Dan Seigel cho thấy rằng “Sự sẻ chia tạo nên sự đồng cảm.”

Nỗi buồn giúp Niềm vui trong bộ phim và nỗi buồn của chính bạn có thể giúp bạn.

  1. Bạn ứng xử thế nào với Nỗi buồn?
  2. Bạn có thể sử dụng Nỗi buồn để cảm thấy khá hơn không? Làm thế nào?
  3. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không bao giờ cảm thấy buồn? Có tốt không nếu thi thoảng giữ Nỗi buồn trong một vòng tròn để nó không vỡ ra và ngoài tầm kiểm soát? Tại sao?

Nỗi sợ và Sự tức giận có thể bảo vệ và thức đẩy chúng ta.

  1. Thời điểm nào trong cuộc đời bạn cần Nỗi sợ?
  2. Nỗi sợ đã giúp bạn như thế nào?
  3. Sợ bao nhiêu là vừa đủ?
  4. Điều gì sẽ xảy ra với tư duy và cách giải quyết vấn đề của chúng ta nếu chúng ta có quá nhiều Nỗi sợ và Sự tức giận?
  5. Sự tức giận xuất hiện trong não bạn như thế nào?
  6. Sự tức giận có phải lúc nào cũng hữu ích với bạn?
  7. Bạn thường làm thế nào để kiềm chế Sự tức giận?

Sự thù ghét giữ chúng ta tránh khỏi bị tổn thương về thân thể và xã hội.

  1. Làm sao cảm giác Thù ghét có thể giúp bạn?
  2. Sự thù ghét làm tổn thương các mối quan hệ và trải nghiệm của bạn như thế nào?

Trong phim, Niềm vui đóng vai trò dẫn dắt các cảm giác trong bộ não của Riley.

  1. Niềm vui có phải lúc nào cũng đóng vai trò dẫn dắt?
  2. Điều gì sẽ xảy ra nếu Niềm vui và Nỗi buồn rời bỏ cơ quan đầu não?
  3. Làm thế nào chúng tôi thấy được Niềm vui trong não bạn?
  4. Điều gì tạo ra Niềm vui để kiểm soát não bạn?

Hãy tưởng tượng không còn cảm giác nào tồn tại.

  1. Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu chúng ta không còn cảm giác?
  2. Miêu tả hai sự thay đổi tích cực trong cuộc sống nếu chúng ta không còn cảm giác.
  3. Miêu tả hai sự thay đổi tiêu cực trong một cuộc sống không còn cảm giác.

Tác giả: TS. Lori Desautels

Đặng Thanh Hiền dịch

(Nguồn: https://www.edutopia.org/blog/emotions-affect-learning-behavior-relationships-lori-desautels)