Hãy thử một trong những ý tưởng sau để đặt câu hỏi hay hơn trong lớp học của bạn.
(Được viết bởi Great Books)
Bạn có muốn tạo nên những cuộc tranh luận ý nghĩa trong lớp học? Cách đơn giản để khuyến khích học sinh trong lớp tranh luận về sách là đặt những câu hỏi hay. Tuy nhiên, nói thì dễ làm thì khó. Những câu hỏi nào sẽ gợi mở thêm câu trả lời ngắn của học sinh và thúc đẩy một cuộc hội thoại giàu ý nghĩa? Dưới đây là 23 mẹo nhỏ giúp bạn nâng câu hỏi lên một mức độ cao hơn.
- Chọn những cuốn sách tuyệt vời!
Tìm những cuốn sách trong đó đặt ra các câu hỏi mang tính quốc tế mà con người trong suốt chiều dài lịch sử và trên toàn thế giới đều phải trăn trở, ví dụ như bản chất của cái thiện, sự thật và cái đẹp; mối quan hệ cá nhân – xã hội; ý nghĩa của công lí; và ảnh hưởng của tỉ lệ tử vong. Danh sách 101 cuốn sách đọc trước khi trưởng thành có thể là một xuất phát điểm tốt nếu bạn đang tìm kiếm các tác phẩm văn học nổi bật cho lũ trẻ.
- Giúp học sinh chuẩn bị.
Những cuộc tranh luận về sách thành công nhất diễn ra khi mọi người trong nhóm đã đọc ngữ liệu một cách cẩn thận. Hãy chắc chắn bạn cung cấp cho học sinh nhiều cách đa dạng để tiếp cận văn bản. Ví dụ, cho học sinh biết họ sẽ được nghe sách nói hoặc xem phim về câu chuyện nếu như nó hữu ích. Cân nhắc việc đọc to câu chuyện cho cả lớp. Điều quan trọng là mọi người rút ra ý nghĩa từ văn bản và có thể tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm. Bạn muốn những độc giả còn đang băn khoăn hoặc miễn cưỡng của mình cảm thấy được hỗ trợ và quan tâm.
- Đọc và nhắc lại.
Lần đọc đầu tiên có thể diễn ra trong nhóm, nơi mà bạn – người dẫn dắt – đọc diễn cảm văn bản. Khi học sinh đọc lại văn bản, họ thường chú ý các chi tiết mà họ có thể bỏ lỡ ở lần đọc đầu. Họ cũng có thể tìm ra lời giải đáp tốt hơn cho những câu hỏi về ngữ liệu.
- Khuyến khích đặt câu hỏi.
Trong lần đọc thứ hai hoặc thứ ba, hãy yêu cầu học sinh viết nhanh các câu hỏi của chính họ, điều này giúp bạn dẫn dắt đến cuộc thảo luận vào thời điểm thích hợp.
- Tiếp nhận những quan điểm.
Kath Murdoch đã viết trên blog Just Wondering của cô ấy: “Dù cho bạn đang sử dụng văn học để thôi thúc tạo nên điều kì diệu, kích thích trí tò mò hay đào sâu nhận thức, hành động chia sẻ văn học luôn là cơ hội để người giáo viên tiếp nhận những quan điểm. Khuyến khích đặt câu hỏi, suy nghĩ rành mạch, tạo kết nối, chú ý cách mà suy nghĩ của chúng ta thay đổi khi đọc…, những kĩ năng này là một phần của vốn kiến thức giáo dục học và góp phần tạo nên sự chia sẻ kinh nghiệm”. Bài viết Tạo cảm hứng cho những quan điểm thông qua sách tranh của cô gợi ý nhiều cuốn sách nên có trên giá sách của bất kì người yêu sách nào.
- Áp dụng kĩ năng Quan điểm chia sẻ vào các cuộc thảo luận về sách của bạn.
Quan điểm chia sẻ là gì? Theo Great Books, “Quan điểm chia sẻ là một phương pháp dạy và học cho phép mọi lứa tuổi khám phá các ý tưởng, ý nghĩa và thông tin tìm được trong những gì mà họ đọc. Nó tập trung vào những câu hỏi phân tích có ít nhất một câu trả lời hợp lí và có thể dẫn dắt đến những cuộc đối thoại hấp dẫn, sâu sắc về văn bản”.
Dưới đây là một bài viết về phương pháp Quan điểm chia sẻ, bạn có thể xem thêm hướng dẫn cho Cuộc thảo luận Quan điểm chia sẻ để có được cái nhìn bao quát và áp dụng phương pháp vào lớp học của mình.
- Chuẩn bị một câu hỏi mở.
Nghĩ về nó như là một cách “phá băng”. Đặt một câu hỏi đủ “mở” để tất cả học sinh trong lớp có thể chia sẻ suy nghĩ. Nó nên có nhiều hơn một câu trả lời khả thi và là điều mà bạn thật sự muốn hỏi. Bạn có thể đặt những câu hỏi phân tích trong suốt cuộc thảo luận, nhưng chúng thường đặc biệt quan trọng khi bạn bắt đầu cuộc thảo luận nhóm.
- Câu hỏi gợi mở.
Khi cả nhóm đã tham gia vào cuộc thảo luận, phản hồi lại những thông tin mà họ thu thập được bằng những câu hỏi gợi mở sẽ giúp họ suy nghĩ sâu sắc hơn. Câu hỏi gợi mở có thể làm sáng tỏ một nhận định hoặc kéo dài sự giảng giải và thêm nhiều ý kiến từ cả lớp.
- Đặt những câu hỏi yêu cầu dẫn chứng.
Hỏi những câu chỉ có một đáp án là kĩ năng tốt khi bạn muốn học sinh tập trung vào dẫn chứng củng cố cho một lập luận mà bạn đang suy ngẫm.
- Đặt những câu hỏi Ai, Cái gì, Khi nào, Tại sao, Ở đâu.
Dưới đây là bảng cung cấp 5 câu hay hơn để hỏi thay cho Ai, Cái gì, Khi nào, Tại sao, Ở đâu:
5 câu hỏi đơn giản
Lời nói của học sinh trong lớp học là công cụ hữu hiệu để kết nối. Tuy nhiên, để tạo được bầu không khí mà học sinh muốn, cần phải đưa ra những câu hỏi hay. Sau đây là 5 lựa chọn mà bạn có thể dùng trong bất cứ tiết học nào:
Câu hỏi | Tác dụng |
Em nghĩ gì?
|
Tốt nhất nên đặt câu hỏi này sau khi nêu một nhận định, dự đoán, kết luận hoặc điều quan sát được. Học sinh thường cần chúng ta làm rõ ý muốn khi đặt câu hỏi: “Em nghĩ gì?”. Trớ trêu thay, chính vì sự đơn giản của câu hỏi nên nó có thể mơ hồ đối với học sinh. |
Làm sao em biết được điều này? | Khi được hỏi câu này, học sinh có thể liên hệ với những ý tưởng và suy nghĩ mà họ đã trải nghiệm, đọc hoặc nhìn thấy. |
Em còn câu hỏi gì nữa không? | Những câu hỏi kiểu này đòi hỏi sự kiên nhẫn – thời gian chờ đợi – nhưng đồng thời cũng cho học sinh cơ hội được hỏi chứ không chỉ giải đáp cho họ. |
Tại sao em nghĩ thế? | Thúc đẩy học sinh nghĩ sâu hơn và lí giải cho câu trả lời của họ. |
Em có thể nói thêm về vấn đề này không? | Câu hỏi này thách thức học sinh mở rộng tư duy và chia sẻ thêm dẫn chứng cho ý tưởng của họ. |
Sự chính xác là một nguyên nhân lí giải tại sao những câu hỏi này đơn giản mà lại hiệu quả cao. Chúng đòi hỏi học sinh tranh luận có chất lượng, phức tạp và sâu sắc hơn.
- Hỏi “Em nghĩ gì?”
Và hỏi lại lần nữa! Theo Mariappan “Jawa” Jawaharlal trên blog Huffington Post của ông: “Tìm kiếm những ý kiến của học sinh làm họ cảm thấy rằng bạn đánh giá cao thông tin họ tìm được và tôn trọng họ. Đổi lại, họ sẽ coi trọng bạn, điều đó tạo nên một môi trường học tập thuận lợi. Bằng việc hỏi ‘Em nghĩ gì?’, bạn đã nâng học sinh từ người quan sát đơn thuần trở thành những thành viên tham gia tích cực trong cuộc thảo luận”.
- Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi cho các bạn khác.
Ví dụ, hỏi “Em tán thành hay phản đối ý kiến đó?” hoặc “Em có ý tưởng gì khác về đoạn văn bản này không?” Hãy chắc chắn rằng bạn đã cung cấp cho học sinh công cụ để phản bác một học sinh khác theo cách lịch sự. Dưới đây là một bảng có thể hữu ích cho bạn:
Không đồng tình ư?
Hãy nói “Không” một cách lịch thiệp
Đó là một ý tưởng không tồi. Tuy nhiên tôi có ý tưởng khác như thế này…
Tôi không chắc là tôi đồng tình. Có thể là…
Có ai nghĩ là…
Hãy xem xét vấn đề ở một góc độ khác…
- Hỏi tại sao các nhân vật lại hành động như thế.
Khi thảo luận vấn đề này, hãy xem học sinh của bạn có thể suy luận điều mà tác giả nghĩ hoặc cảm nhận về nhân vật như thế nào.
- Hỏi về một chuỗi sự kiện trong truyện.
Vì sao học sinh nghĩ mọi điều xảy ra theo một trình tự nhất định? Điều này sẽ dẫn dắt dến một cuộc thảo luận về phần mở, thân và kết của câu chuyện; câu chuyện trở nên khác đi như thế nào nếu các sự kiện xảy ra theo một trình tự khác.
- Yêu cầu học sinh tìm dẫn chứng trong văn bản
Họ có thể chỉ ra một trang trong cuốn sách hoặc đưa ra một ví dụ điển hình để củng cố ý tưởng của mình không?
- Cho học sinh những thuật ngữ họ cần để diễn giải dẫn chứng
Dưới đây là một thống kê để gợi nhớ cho học sinh cách lấy dẫn chứng:
- Yêu cầu học sinh đọc giữa các dòng và sau những con chữ.
Học sinh của bạn nghĩ điều gì xảy ra trước khi một hành động được thực hiện hoặc thậm chí trước mở đầu của cuốn sách? Sau đó thì sao? Họ nghĩ những nhân vật khác làm gì trong suốt câu chuyện?
- Hãy là một người nghe tích cực.
Giáo viên làm mẫu việc lắng nghe tốt thì học sinh cũng học được kĩ năng đó. Khi bạn dạy lũ trẻ, bạn cũng đang học. Làm mẫu cho học sinh cách lắng nghe người khác nói hơn là tập trung vào tiếp theo bạn muốn nói cái gì.
- Đòi hỏi những ý tưởng mới.
Nếu cuộc hội thoại có vẻ sẽ đi vòng tròn hoặc học sinh cứ dậm chân quanh chủ đề chính, hãy điều chỉnh bằng cách yêu cầu một học sinh bất kì đưa ra một ý tưởng mới. Nếu cuộc hội thoại đình trệ, chọn một câu hỏi phân tích khác để đưa việc thảo luận đi xa hơn.
- Cố gắng khách quan.
Với vai trò người dẫn dắt, cố gắng tránh đưa ra những câu hỏi theo kiểu nhận định. Bạn cũng nên hạn chế việc lèo lái cuộc hội thoại theo một hướng nhất định hoặc đưa ra ý kiến cá nhân.
- Kết luận.
Hỏi những câu gợi mở cho học sinh đưa ra đánh giá cá nhân về quan điểm của tác giả. Những câu hỏi kiểu này thúc đẩy học sinh liên hệ trải nghiệm của bản thân với cuốn sách hoặc với những thứ khác mà họ đọc.
- Tham gia một nhóm đọc sách với người lớn ở bên ngoài trường học.
Theo Sổ tay hướng dẫn chia sẻ của Great Books, “Nền tảng tốt nhất để trở thành một lãnh đạo tài ba đó là thường xuyên tham gia vào các cuộc thảo luận Quan điểm chia sẻ”. Bạn sẽ trở thành một “chỉ huy tốt” trong lớp học của mình đơn giản bằng việc tham gia những cuộc thảo luận về sách được dẫn dắt bởi những người có kinh nghiệm khác.
- Tìm các nguồn hỗ trợ.
Great Books có một đội ngũ trợ giảng miễn phí trên website cũng như các khóa học phát triển chuyên nghiệp để đào tạo phương pháp Quan điểm chia sẻ. Có tư duy phát triển và sự sẵn sàng học hỏi sẽ giúp bạn trở thành một giáo viên hiệu quả, một “người quản trò” trong các cuộc thảo luận.
Đặng Thanh Hiền dịch
Nguồn: https://www.weareteachers.com/23-teacher-tips-asking-better-questions-books/