“Con cáo nhảy lên để hái chùm nho nhưng chùm nho lại nằm ngoài tầm với. Sau vài lần cố gắng, con cáo từ bỏ và tự an ủi mình: “Nho đấy chua lắm, có cho tôi cũng chẳng ăn. Con cáo thay đổi thái độ sao cho phù hợp với hành vi của mình.” – Ngụ ngôn Aesop.
Có một quan niệm sai lầm phổ biến đó là: Đức tin là nguyên nhân của hành động.
Giống như con cáo, mọi người tự biện minh cho hành động của mình. Điều này bảo vệ cái tôi của họ khi bị thất bại hoặc cho thấy lí do họ đã thực hiện một hành động nhất định. Giáo viên cần đặt học sinh vào những tình huống mà họ có thể tự tạo động lực cho bản thân hoặc tự thuyết phục bản thân thực hiện một số hành động nhất định.
Trách phạt, khen thưởng và cam kết
Vấn đề chính sách quản lý lớp học ở hầu hết các cơ sở là nó hoạt động theo mô hình “củ cà rốt”. Mô hình này bao gồm PBIS (Tích cực can thiệp và hỗ trợ hành vi), quản lí quỹ lớp và các phần thưởng khác. Các hình thức trách phạt bao gồm cô lập, đình chỉ, hoặc bị cấm tham gia một số hoạt động. Giáo viên và các vị lãnh đạo nhà trường tin rằng những biện pháp này sẽ hỗ trợ việc quản lí học sinh. Tuy nhiên, sự tự tin mang lại hiệu quả cao hơn và lâu dài hơn so với các kỹ năng thuyết phục trực tiếp. Điều quan trọng là để cho học sinh tự thuyết phục mình.
Mục tiêu của sự tự thuyết phục là tạo ra tình huống có vấn đề trong tâm trí của người được thuyết phục. Đặc trưng của các tình huống có vấn đề là những mệnh đề đối lập. (Ví dụ: “Tôi là một người tốt nhưng tôi đã từng nói dối”). Điều này gây khó chịu và thôi thúc người ta có nhu cầu hạn chế hoặc xóa bỏ sự đối lập bằng cách kể một câu chuyện về chính mình. (Ví dụ: “Giáo viên đã khiến tôi phải nói dối”).
Trách phạt
Năm 1965, Jonathan Freedman đã tiến hành một nghiên cứu trong đó ông cho các bé mẫu giáo xem một món đồ chơi hấp dẫn. Ông bảo với một nhóm các bé là không được chạm vào món đồ nếu không sẽ bị phạt nặng, nhóm còn lại được yêu cầu không chạm vào đồ chơi bởi vì việc đó là sai. Ông rời khỏi phòng và đặt những đứa trẻ cách xa món đồ chơi. Sau đó, ông hỏi các bé rằng có muốn món đồ chơi không. Nhóm bị dọa phạt nặng vẫn thực sự muốn chơi, nhóm bị dọa phạt nhẹ thì ít quan tâm hơn.
Vài tuần sau, Freedman lần lượt dẫn học sinh ra khỏi lớp và cho các bé làm một bài kiểm tra vẽ. Trong khi kiểm tra, ông cho phép các bé chơi đồ chơi mà chúng muốn. Trong nhóm bị dọa phạt nặng, 77% số học sinh chơi với món đồ chơi bị cấm lúc đầu trong khi chỉ có 33% số học sinh của nhóm bị dọa phạt nhẹ chơi với món đồ đó. Nhóm thứ hai tự biện minh cho mình lí do họ không muốn chơi món đồ chơi bị cấm bởi vì động cơ bên ngoài (mức độ trách phạt) không đủ mạnh. Vì vậy, họ đã tự thuyết phục rằng món đồ chơi không hấp dẫn lắm.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng sự sợ hãi trong các bài kiểm tra nâng cao thực sự làm giảm hiệu suất của chúng.
Khen thưởng
Các chương trình như Quản lý quỹ lớp có thể sẽ hiệu quả vì phần thưởng bên ngoài tạo động lực ngắn hạn. Mark Lepper và David Greene của Đại học Stanford nhận thấy rằng những người được tặng một phần thưởng “có khuynh hướng làm việc nhanh hơn” nhưng ít có khả năng duy trì lâu.
Cam kết
Mục tiêu ở đây là khiến mọi người cam kết thực hiện một điều gì đó nhưng nó phải là quyết định của chính họ. Theo Sáu nguyên tắc tác động của Robert Cialdini, “Một khi chúng ta đã có sự lựa chọn hoặc quyết tâm cao, chúng ta sẽ tự nhắc nhở bản thân và cư xử phù hợp với cam kết đó.”
Trách phạt và khen thưởng có vai trò riêng của chúng trong những hoàn cảnh nhất định nhưng chúng ta không nên sử dụng những phương pháp này để thuyết phục lớp học tuân thủ các yêu cầu. Thay vào đó, các lớp học nên thiết lập mô hình quản lý dựa trên sự tự thuyết phục.
7 ví dụ về sự tự thuyết phục
- Hai dòng kẻ
Chiến thuật này áp dụng vào lớp học được gọi là “Sẵn sàng học tập” và “Có xu hướng cư xử không tốt”. Sau đó cho học sinh chọn đứng vào một trong hai nhóm này.
- Các câu hỏi có kèm thang đo
Trong cuốn sách Tác động tức thời, giảng viên ĐH Yale, TS. Michael Pantalon đã mô tả sự tự thuyết phục một cách vô thức.
Đầu tiên, bạn hãy hỏi học sinh, “Nếu chấm điểm theo thang mười, thì mức độ sẵn sàng của em là bao nhiêu?”
Sau đó hỏi tiếp: “Tại sao em không chấm điểm thấp hơn?”
Ví dụ: “Tính theo thang mười, khả năng làm bài tập về nhà tối nay của em là bao nhiêu?” Câu hỏi tiếp theo là mấu chốt để thuyết phục học sinh rằng họ có thể hoàn thành nhiệm vụ.
- Bảng mục tiêu
Một biểu mẫu đơn giản, điền sẵn tên các khóa học, có cam kết học tập của học sinh ở đầu mỗi khóa. Kết thúc khóa học, hãy cho họ xác nhận lại cam kết.
- Nội quy do học sinh tự đặt ra
Cho học sinh tự thống nhất nội quy lớp học. Việc vi phạm nội quy sẽ tạo nên sự mâu thuẫn trong nhận thức.
- Mục tiêu chung
Nếu học sinh công khai tuyên bố các mục tiêu, họ sẽ trở nên có trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn đối với những người khác.
- Nhắc nhở bằng cách đặt câu hỏi
Nếu bạn nói cho học sinh biết họ phải làm gì, điều đó có thể gây ra phản ứng tâm lý, một sự phản ứng thù địch sinh ra từ ý thức về mất quyền tự chủ hoặc tự do. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi học sinh rằng họ sẽ làm gì, sự tự do lựa chọn là một trong những chiến thuật thuyết phục nhất.
- Thẻ cam kết
Đây là một trong những lí do của kỷ lục giữ chức vô địch lâu nhất của đội bóng Trường Trung học De La Salle. Họ đều có thẻ cam kết mỗi tuần và phải chịu trách nhiệm trước các thành viên trong đội.
Tóm lại, sự tự thuyết phục đòi hỏi tính kiên nhẫn và tư duy phê phán. Tuy nhiên, nếu sắp hết năm học rồi mà lớp kế bên vẫn không áp dụng hình thức thưởng phạt tương tự thì lớp học của bạn sẽ hỏi bạn nhiều hơn.
Đặng Thanh Hiền dịch