Bạn đã hoặc đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè và một cách rất hiển nhiên, bạn có xu hướng phản ứng tránh xa mọi thứ liên quan đến trường học. Nhưng bây giờ mới chính là dịp thích hợp để suy ngẫm về năm học vừa qua. Bằng cách suy ngẫm có chủ đích, bạn sẽ khám phá các chiến lược để giúp bạn vượt qua những khó khăn, thách thức trong tương lai.
PHÂN TÍCH ĐIỂM CAO VÀ ĐIỂM THẤP TRÊN BẢN ĐỒ ĐÁNH GIÁ MỘT NĂM HỌC VỪA QUA
Vẽ một đường đồ thị cho năm học vừa rồi và bao gồm cả đỉnh và đáy đồ thị để thể hiện những trải nghiệm cảm xúc của bạn trong năm. Sau đó, xác định những gì đã xảy ra ở tại những thời điểm đó. Có lẽ tại đỉnh đồ thị là khi học sinh của bạn đã đạt được những kết quả tốt, hoặc phản hồi tích cực bạn nhận được từ đồng nghiệp, tổ bộ môn hoặc ban giám hiệu. Còn điểm thấp nhất sẽ nằm trong thời gian diễn ra mùa thi hoặc giai đoạn trước kỳ nghỉ hè vì bạn đã kiệt sức và học sinh thì quá nghịch ngợm.
Khi bạn đã thực hiện việc này, hãy dự đoán đỉnh nào và điểm đáy nào của đồ thị có thể lặp lại vào năm học tới hay không. Ví dụ: điểm đặc biệt như mùa thi diễn ra hàng năm, từ đó bạn có thể chuẩn bị để tìm giải pháp cho những khó khăn, thách thức đó và kiểm soát tốt hơn sự căng thẳng. Hoặc có khả năng tuần lễ trước kì hè sẽ là thời điểm khó khăn cho cả bạn và học sinh. Vì vậy, những gì bạn có thể có thể làm trong những tuần này để bổ sung năng lượng của bản thân và giúp học sinh quản lý cảm xúc.
Trong năm học trước, với dự đoán về các giai đoạn khó khăn của năm học, tôi đã lên kế hoạch một dự án thiên văn học trong ba tuần trước kì nghỉ hè. Học sinh rất vui mừng khi bắt đầu một dự án mới hấp dẫn và tôi cảm thấy tràn đầy sinh lực để khám phá nội dung này. Điều này đã giúp tất cả chúng ta trải qua ba tuần đó, và rất nhiều bài học đã được thực hiện, học sinh cũng học được rất nhiều điều thú vị.
GIẢI MÃ THÀNH CÔNG
Viết về một hoặc hai khoảnh khắc khi bạn cảm thấy thực sự thành công trong năm qua. Mô tả những khoảnh khắc đó càng chi tiết càng tốt và từ những quan điểm khác nhau — của riêng bạn và của học sinh, cha mẹ và ban giám hiệu… Họ đã thấy gì và trải nghiệm những gì? Xác định tất cả các yếu tố dẫn đến thành công và những điều tạo nên khoảnh khắc thành công đó. Sau đó, xem liệu bạn có thể xác định các tác động cho năm tới hay không: Các bài học dành cho bạn là gì? Bạn muốn nhớ điều gì? Những gì có thể được nhân rộng?
Một trong những khoảnh khắc yêu thích của tôi trong năm học vừa qua là tham gia một khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy và tôi đã có một phần thuyết trình trong buổi đào tạo đó. Tôi đã dành hàng tuần chuẩn bị cho nó, nhận được phản hồi từ các đồng nghiệp về kế hoạch, và trăn trở suy nghĩ để tìm mục đích của bản thân mình — và sau đó, tôi đã tìm thấy nguồn sức mạnh và cam kết sâu sắc. Khóa đào tạo này là thử thách đối với tôi — về cả cảm xúc và nhận thức – và tôi cũng cảm thấy nó thực sự đã thành công. Trong tương lai, tôi đã học được rằng tôi cần phân bổ thêm thời gian để chuẩn bị cho công việc mà tôi dự đoán sẽ tiêu tốn thời gian và tôi cần nhớ rằng sự đầu tư đó là hoàn toàn chính đáng.
SUY NGẪM VỀ CÁC MỐI QUAN HỆ
Mối quan hệ của giáo viên với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và lãnh đạo nhà trường có thể giúp giảm hoặc gia tăng những căng thẳng. Tạo một bản suy ngẫm với ba cột với tiêu đề “Tuyệt vời”, “Bình thường” và “Cần thay đổi” và sau đó sắp xếp các mối quan hệ của bạn vào đó. Ví dụ, mối quan hệ của bạn với một vài bậc phụ huynh là tuyệt vời, và phần còn lại là bình thường, ngoại trừ mối quan hệ với một mẹ của một học sinh trong lớp có thể cần có biện pháp cải thiện.
Làm tương tự với đồng nghiệp, học sinh và sếp của bạn. Sau đó, tìm các xu hướng và mô hình thay đổi. Có thể bạn cảm thấy dễ dàng liên hệ với các phụ huynh là nữ hơn với các ông bố. Có thể bạn nhận thấy rằng mối quan hệ với học sinh nói chung là tuyệt vời, nhưng bạn có thể cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp. Bạn thấy mình cần thay đổi điều gì trong các mối quan hệ này?
Những kết quả và suy ngẫm này có thể mang đến nhiều tác động cho năm tới. Bạn có thể làm gì khác? Bạn có thể tăng cường mối quan hệ với ai? Chúng ta thường cảm thấy tốt nhất khi chúng ta có mối quan hệ tốt với những người xung quanh mỗi ngày đến trừng. Vì vậy đây là một lĩnh vực đáng để suy nghĩ và cải thiện — và tất cả chúng ta đều có thể cải thiện được nó.
SUY NGẪM GIÚP LẤY LẠI SỰ CÂN BẰNG
Khả năng cân bằng là điều cần thiết với mỗi giáo viên, nó giúp chúng ta lấy lại năng lượng và tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng tìm được sự cân bằng trong chính bản thân mình. Nói cách khác, sự cân bằng không tự nhiên mà có, nó cần rèn luyện mỗi ngày. Và suy ngẫm chính là con đường để đạt đến sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, giữa bên trong và bên ngoài. Nó giúp chúng ta hiểu rõ bản thân mình hơn, ra quyết định đúng đắn trong tương lai. Mùa hè sắp đến, bạn hãy lấy một tạp chí, một chiếc bút đánh dấu, và có lẽ là đồ uống nhẹ và tìm một nơi để ngồi như dưới tán cây và bắt đầu SUY NGẪM.
TÁO GIÁO DỤC