Chúng ta có thể làm gì để thúc đẩy học sinh tham gia vào các hoạt động học tập? Là một giáo viên, hẳn mỗi chúng ta đều có những suy nghĩ riêng. Nhưng những suy nghĩ đó chỉ là từ quan điểm của giáo viên. Vậy, tại sao chúng ta lại không hỏi chính học sinh của mình?

Vì vậy, chúng tôi đã làm việc với một nhóm học sinh mà phần lớn trong số chúng thuộc nhóm không có động lực. Chúng tôi muốn học sinh phải hoàn toàn cởi mở và trung thực để chia sẻ về những yếu tố tác động đến động lực học tập của chúng ở trường.

Cuộc thảo luận đã diễn ra dài hơn so với dự kiến của chúng tôi. Sau khi lắng nghe những chia sẻ của học sinh, chúng tôi nhận ra một điều rằng, chính chúng ta – các giáo viên là những người đã giết chết động lực học tập của học sinh theo những cách khác nhau.

  1. Đột nhiên đưa ra một bài kiểm tra

Tất cả chúng ta đều biết rằng có những học sinh mất động lực học tập chỉ vì sự lo lắng và sợ hãi khi phải đối mặt với các bài kiểm tra. Có những học sinh đến lớp với sự vui vẻ, tràn đầy niềm tin và sự hứng khởi. Đột nhiên, giáo viên giao các bài kiểm tra với những nội dung mà chúng chưa nắm rõ. Và thế là, cả buổi học hôm đó, học sinh không còn hứng thú với việc học, trong đầu chúng chỉ nghĩ đến điểm số và những sai lầm trong bài làm của chúng.

Đối với một học sinh có năng lực kém hơn, điều đáng sợ nhất chính là các bài kiểm tra đột xuất. Tôi cũng không hiểu mục đích của các bài kiểm tra ấy để làm gì? Phải chăng là để học sinh cảm thấy mình kém cỏi và không còn động lực học tập. Còn nếu ai đó đang ngụy biện rằng, việc kiểm tra để giúp học sinh có thêm ý thức với việc học thì có lẽ việc học sinh sợ hãi, mất động lực đang là minh chứng rõ nhất chứng minh rằng, đó là một quan điểm sai lầm.

  1. Không có cơ hội để sửa sai

Chúng ta ai cũng đã từng mắc phải sai lầm trong quá trình học tập. Đó có thể là một giây phút lơ đễnh khiến chúng ta không ghi nhớ những thông tin cần thiết. Đó cũng có thể là sự chủ quan, đưa đến sai lầm trong các phép tính. Đó cũng có thể là sự lười biếng dẫn đến kết quả học tập không như mong muốn. Và điều mà học sinh cần là được sửa sai, và sứ mệnh của nhà trường là giúp học sinh tiến bộ từng ngày. Nhưng hãy nghĩ xem, điều chúng ta thường làm là gì? Khi học sinh bị điểm kém, những điểm số đó sẽ được ghi vào trong điểm tổng kết như cái giá phải trả cho những sai lầm của học sinh. Chính vì thế, nhiều học sinh đã nghĩ rằng, tại sao mình cần cố gắng, có cố gắng cũng chẳng thay đổi được điều gì nhiều. Và thế là, thay vì nỗ lực để thay đổi, học sinh buông xuôi, chấp nhận và thậm chí là bỏ học.

  1. Giáo viên giảng quá nhiều

Khi học sinh trong lớp nói chuyện, giáo viên sẽ nhanh chóng yêu cầu học sinh đó giữ trật tự. Nhưng hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc. Trong một tiết học, học sinh có cơ hội được nói, được thể hiện quan điểm không? Hay giáo viên là nhân vật chính độc thoại trong suốt tiết học. Việc giáo viên giảng quá nhiều sẽ khiến học sinh cảm thấy nhàm chán. Chúng cảm thấy không cần phải cố gắng, nỗ lực hay trao đổi bất kì điều gì vì giáo viên của chúng đã làm hết tất cả.

Chính vì thế, nếu chúng ta muốn học sinh nghe, chúng ta hãy nói, nếu chúng ta muốn học sinh học hãy để cho học sinh được nói. Hãy cố gắng tăng thời gian nói của học sinh và giảm thời gian nói của giáo viên.

  1. Học sinh cảm thấy không hiểu

Học sinh mất động lực học tập khi chúng không hiểu nội dung bài học. Khi đó sự tồn tại của chúng trong lớp học có cảm giác như người thừa. Chúng cảm thấy bị cô lập giữa thầy cô và các bạn. Thêm vào đó, nhiều giáo viên lại cố tình khoét sâu vào điểm yếu đó của chúng. Điều đó khiến học sinh càng cảm thấy mất động lực học tập.

Học sinh cảm thấy rất khó chịu khi chúng yêu cầu giáo viên giải thích lại một điều gì đó mà chúng chưa hiểu nhưng giáo viên lại phản ứng theo kiểu ‘Con có chú ý nghe giảng không!?’ Giáo viên đã ngầm mặc định rằng, học sinh đó đang rất lười biếng mặc dù chúng đã rất cố gắng.

Trong một trường hợp khác, khi học sinh thắc mắc một vấn đề gì đó, giáo viên đã lặp lại cách giải thích mà họ đã làm trước đó. Điều đó khiến cho học sinh càng thấy khó hiểu hơn. Và lần sau, chúng sẽ không muốn hỏi nữa.

Bài học ở đây là gì? Hãy cố gắng để nhận thêm các thông tin phản hồi từ học sinh và tìm cách để giảng giải theo những cách khác nhau để học sinh có thể hiểu được vấn đề và cảm thấy giáo viên đang rất quan tâm, cố gắng để hỗ trợ chúng.

  1. Nội dung nhàm chán

Một yếu tố chính khiến học sinh mất động lực là cảm giác như nội dung không hữu ích hoặc quá khó. Một tình huống không có gì xa lạ đối với giáo viên là, học sinh dừng lại và hỏi: chúng ta học cái này để làm gì? Giáo viên sẽ giải thích bla..bla… những học sinh vẫn thấy, chẳng có gì quan trọng khiến chúng phải học nội dung này. Học sinh muốn thấy được sự liên quan giữa nội dung bài học đối với bản thân chúng, hoặc liên hệ với cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai. Học sinh muốn những gì chúng được học có liên quan đến cuộc sống của chúng chứ không phải những gì liên quan đến chương trình và sách giáo khoa.

  1. Thiếu tôn trọng học sinh

Đây là chủ đề được thảo luận nhiều nhất vì nó thực sự làm tổn thương động lực của học sinh. Lâu dần, sự thiếu tôn trọng của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng làm việc chăm chỉ và học hỏi của chúng. Sự thất vọng có thể được tóm tắt trong một quan điểm của học sinh: “Thầy cô mong chúng ta hành động như người lớn nhưng đối xử với chúng ta như trẻ con”.

Vì vậy, cú sốc lớn nhất của tôi là khi đọc các phản hồi trong cuộc phỏng vấn học sinh trong năm học với hai câu hỏi:

– Trong số các giáo viên mà bạn đã từng học ở, bạn nghĩ bao nhiêu phần trăm trong số họ yêu thích công việc giảng dạy?

– Trong số các giáo viên mà bạn đã từng học ở trường này, bạn nghĩ có bao nhiêu phần trăm yêu thích và tôn trọng học sinh?

Có thể đối với bất kỳ giáo viên nào, những câu trả lời từ cuộc khảo sát trên sẽ khiến họ cảm thấy bực bội. Giáo viên có rất nhiều lời biện minh về lý do tại sao học sinh có thể cảm thấy như vậy, chẳng hạn như, học sinh rất lười học hay thương cho roi cho vọt,…. Mặc dù, lời biện minh là gì thì điều mà các giáo viên đang né tránh đó là họ thiếu đi sự tôn trọng với chính học sinh của mình.

Vậy ta chúng ta phải làm gì? Hãy xem lại cách chúng ta đối xử với học sinh. Không cần phải nâng niu chiều chuộng hay cưng nựng chúng. Điều mà các giáo viên cần làm là sự dân chủ, rõ ràng và nhất quán trong quản lý lớp học cũng như trong các mối quan hệ với học sinh.

Trên đây là những điều khiến học sinh cảm thấy mất động lực học tập và những gợi ý giúp giáo viên có thể khắc phục nó. Hi vọng rằng, các thầy cô sẽ tránh được những sai lầm này trong quá trình giảng dạy của mình!

Nguyễn Hữu Long