Đã có vô số các cuộc thảo luận để tìm ra những cách đặt câu hỏi hiệu quả, đặc biệt là trong mối quan hệ với việc phân loại các loại câu hỏi sử dụng trong quá trình dạy học. Nhưng tôi vẫn quyết định viết bài biết này để tôi có thể nhắc nhở bản thân mình về những phương thức, kĩ thật để có thể sử dụng câu hỏi hiệu quả.

  1. Đồng thuận – xây dựng – thử thách

Điều đầu tiên trong số 4 chiến thuật đó là “Đồng thuận – xây dựng và thử thách”. Đây là cách cực kì hiệu quả để phát triển tư duy. Thông qua đó, học sinh được hỏi về sự đồng tình với quan điểm của một học sinh khác hay phát triển, mở rộng câu trả lời của bạn hoặc phản đối câu trả lời mà học sinh khác đưa ra kèm theo giải thích tại sao và đưa ra quan điểm cá nhân. Đó là cách làm hiệu quả để khiến học sinh luôn tư duy cũng như khuyến khích chúng suy nghĩ sâu hơn về chủ đề đang thảo luận. Một số cuộc thảo luận thú vị được tạo ra chính nhờ phương pháp này. Thậm chí nếu nó không trực tiếp lôi cuốn được học sinh tham gia thì nó vẫn khiến học sinh biết thêm về những quan điểm hoặc các ý kiến khác.

Chiến thuật sử dụng câu hỏi hiệu quả
  1. Gọi bất kì

Chiến thuật thứ hai là “gọi bất kì”. Điều này rất hiệu quả vì nó khiến học sinh luôn luôn phải suy nghĩ vì học sinh biết rằng mình có thể bị thầy cô gọi bất cứ lúc nào ngay cả khi chúng có giơ tay phát biểu hay không. Nó xây dựng không khí sẵn sàng làm việc trong lớp học. Thậm chí những người không biết câu trả lời và được chuyển cho một học sinh khác sau đó các học sinh khác phải có trách nhiệm đưa ra câu trả lời, nó giảm tình trạng “lẩn tránh trách nhiệm” của học sinh. Trong lớp học của tôi, tôi thường có một hộp đựng các que kem, trên các que kem đó có viết tên học sinh. Khi hỏi một câu hỏi, tôi nói: “Thầy sẽ rút tên một bạn bất kì để trả lời câu hỏi”. Điều đó khiến học sinh của tôi tập trung hơn hẳn so trước kia.

  1. Thời gian chờ đợi

Chiến thuật thứ 3 có lẽ cũng là điểm yếu nhất của tôi khi thực hiện trong thực tế – Khi hỏi học sinh, chúng ta nên dành thời gian chờ đợi trước khi gọi một học sinh trả lời. Điều này đặc biệt khó nếu một học sinh trong lớp có thể ngay lập tức giơ tay hoặc có câu trả lời quá nhanh và mong muốn thể hiện bản thân một cách thái quá.

Nhưng thời gian chờ đợi vẫn cực kì có giá trị:

– Nó giúp cho các học sinh giỏi có thêm thời gian để suy nghĩ và sắp xếp lại câu trả lời cho tốt hơn.

– Nó giúp cho các học sinh kém có thời gian để suy nghĩ và đưa ra câu trả lời của chúng.

– Nó là khoảng thời gian khiến cho học sinh có trách nhiệm hơn với câu trả lời của giáo viên.

– Giáo viên sẽ nhận ra học sinh nào tập trung suy nghĩ còn học sinh nào thì không,

– Và cuối cùng, nó khuyến khích sự tham gia của học sinh vì biết rằng giáo viên đang mong chờ tất cả học sinh đều có thể đưa ra câu trả lời.

Tôi biết điều này không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với các giáo viên trẻ. Vì chúng ta sợ sự im lặng, chúng ta sợ các vấn đề về hành vi trong thời gian chờ đợi, vì chúng ta muốn lớp học của chúng ta luôn luôn sôi nổi và hào hứng. Đúng, nhưng các thầy cô hãy giúp tôi nghĩ về tuổi thơ của mình hoặc tưởng tượng mình đang tham gia một lớp học, khi mà giáo viên vừa đưa câu hỏi thi đã có người trả lời và khi đó chắc chắn chúng ta sẽ thấy mình thật là “vô hình” và kém cỏi. Vậy nên, hãy bắt đầu thay đổi từ bây giờ nhé!

  1. Không nói leo, hoặc trả lời tự do

Chiến thuật cuối cùng này nên được thực hiện trong tất cả các lớp học. Ngăn cản việc học sinh nói leo hoặc đưa ra câu trả lời khi giáo viên chưa cho phép là điều vô cùng cần thiết bởi vì khi một học sinh đã nói ra câu trả lời thì đồng nghĩa với việc các học sinh khác sẽ dừng suy nghĩ về câu hỏi. Bạn hãy tưởng tượng, khi bạn đang nỗ lực để suy nghĩ một điều gì đó và sắp tìm ra đáp án, thì bỗng có người nói to đáp án đó lên, vậy là bạn chẳng muốn suy nghĩ thêm bất cứ điều gì nữa và chẳng ai biết bạn đã phải nỗ lực như thế nào. Nếu điều này được duy trì, lần sau thậm chí bạn cũng chẳng buồn cố gắng và nỗ lực suy nghĩ về các câu hỏi nữa.

Thậm chí nếu việc trả lời hay nói tự do trở thành thói quen trong lớp học của bạn, với tư cách là giáo viên, bạn đừng phản ứng hay đáp lại câu trả lời đó – hãy cho học sinh biết rằng, bạn không chấp nhận bất kì câu trả lời nào nếu như nó chưa được suy nghĩ kĩ và giáo viên chưa gọi trả lời. Ngay sau đó, chắc chắn học sinh sẽ nhận ra rằng việc trả lời tự do không phải là hành vi tốt và dần dần chúng sẽ thay đổi thói quen xấu đó.

Trên đây là những kí thuật khiến cho học sinh suy nghĩ sâu hơn và tăng cường sự tham gia của học sinh trong giờ học. Hãy cố gắng sử dụng nó, bạn sẽ thấy nó thực sự hiệu quả đấy!

Nguyễn Hữu Long