Cho dù bạn đã làm giáo viên được bao lâu, cho dù bạn đã có bao nhiêu kinh nghiệm giảng dạy, nhưng việc bị dự giờ đột xuất vẫn là điều kiến bạn cảm thấy căng thẳng và áp lực. Việc hiệu trưởng hay tổ trưởng chuyên môn bất ngờ bước vào lớp học, dự giờ, quan sát tiết dạy, trong khi học sinh của bạn thì có thể làm những điều mà bạn không thể nghĩ đến. Điều đó quả thực là một cơn ác mộng mà chỉ tưởng tượng thôi, bạn đã cảm thấy đủ căng thẳng lắm rồi.

Trong quá trình chuẩn bị cho tiết dạy, chúng ta luôn chuẩn bị những hoạt động thực hành thú vị, các hoạt động nhóm sôi nổi hay những giây phút trong bài giảng khiến học sinh vỡ òa cảm xúc. Chúng ta mong chờ giây phút đó, hiệu trưởng hoặc thành viên của ban giám hiệu sẽ xuất hiện và được chứng kiến khoảnh khắc kì diệu đó. Nhưng sự đời lại trớ trêu, khi người dự giờ đến quá sớm và rời đi khi những điều thú vị chưa tới. Hoặc xuất hiện khi lớp học đã đi qua những thời khắc “huy hoàng nhất” và để lại là một sự ngổn ngang, ồn ào và cả mệt mỏi trên đôi mắt của học sinh.

Có lần khi dự giờ giáo viên, một cô giáo bất ngờ đã nói với tôi “thầy đừng có đi, thầy cố đợi thêm 20 phút nữa, sẽ đến hoạt động hấp dẫn nhất”. Hay, “thầy đến muộn quá nên học sinh của em đã làm việc xong rồi”. Trong tình thế đó, không chỉ giáo viên mà cả ban giám hiệu hay người dự giờ cũng cảm thấy vô cùng khó xử.

Làm sao để cứu vãn được tình thế? Làm thế nào để có những hoạt động nhanh chóng gây ấn tượng với người dự giờ – ngay cả khi họ đến vào thời điểm không thích hợp nhất? Dưới đây sẽ là một số gợi ý cho các thầy cô. Những hoạt động này không chỉ phục vụ cho các tiết dự giờ mà còn có thể được sử dụng bất cứ lúc nào trong suốt năm học để tăng mức độ tương tác của học sinh mà không cần có sự chuẩn bị trước hoặc thời gian chuẩn bị rất nhanh chóng.

  1. Cho học sinh thảo luận theo cặp đôi và đặt các câu hỏi tư duy bậc cao

Tôi thường xuyên sử dụng hoạt động Think-Pair-Share  (Suy nghĩ – Ghép cặp – Chia sẻ). Tôi sẽ đặt ra một câu hỏi tư duy, dành thời gian cho học sinh suy nghĩ. Sau đó, cho học sinh làm việc theo cặp đôi và chia sẻ câu trả lời với bạn của mình (có thể đọc thêm các tài liệu “Hoạt động dạy học – ý tưởng và công cụ” để biết về những ưu điểm của và những điều cần lưu ý khi tổ chức hoạt động này).

Hoạt động này sẽ mang lại rất nhiều điểm cộng cho bạn trong mắt người dự giờ. Nó sẽ tạo ra được cảm tình và những suy nghĩ tích cực về bạn và việc giảng dạy của bạn. Ví dụ:

  1. Bạn đã thiết lập và thực hành các nội quy và quy trình hiệu quả trong lớp học.
  2. Bạn khuyến khích học sinh của mình trao đổi, thảo luận với nhau một cách học thuật và có tổ chức.
  3. Bạn có kế hoạch trong việc khuyến khích học sinh di chuyển, tương tác mà không làm gián đoạn giờ học.
  4. Bạn đã tạo ra cơ hội để hầu hết học sinh được tham gia vào hoạt động.
  5. Bạn đã thử thách học sinh bằng cách hỏi những câu hỏi tư duy bậc cao.

Hoạt động này cũng có hiệu quả ngay cả khi học sinh đang làm việc độc lập. Chúng có thể mang theo phiếu bài tập, ghép cặp với một bạn khác và sau đó so sánh bài làm, trao đổi, thảo luận về những điểm cần chỉnh sửa, giải thích cách làm cho bạn mình hay đặt ra các câu hỏi cho nhau.  Điều này khiến cho người dự giờ thấy rằng học sinh của bạn đang tham gia vào việc học một cách rất tích cực.

  1. Sử dụng các bảng trắng cá nhân (bảng của học sinh tiểu học)

Nếu hiệu trưởng hoặc người dự giờ bước vào ngay sau khi bạn đã hoàn thành một hoạt động (hoặc 20 phút trước khi một hoạt động diễn ra theo kế hoạch), hãy yêu cầu học sinh lấy bảng trắng cá nhân của chúng ra. (ở nhiều trường, học sinh trung học cơ sở vẫn sử dụng bảng trắng cá nhân giống như tiểu học)

Một trong những lợi ích của bảng trắng là chúng là chúng có các ô trống, vì vậy bạn có thể dễ dàng sử dụng cho nhiều môn học khác nhau. Bạn có thể yêu cầu học sinh giải một bài toán, hoặc vẽ một bức tranh để minh họa, ghi lại các từ vựng, hoặc điền vào Biểu đồ chữ T, hoặc hoàn thành các câu còn thiếu, hoặc trả lời một câu hỏi. Bảng cá nhân thực sự là một công cụ tương tác hiệu quả và hữu ích trong lớp học (vì thế không lý do gì mà bậc THCS bạn lại không sử dụng nó).

Việc sử dụng bảng cá nhân sẽ cho người dự giờ thầy được rằng:

  1. Bạn đã thiết lập và thực hành nội quy và quy trình quản lý lớp học hiệu quả.
  2. Bạn luôn tạo cơ hội để nhiều học sinh có thể tham gia vào hoạt động.
  3. Bạn tích hợp hoạt động viết vào các môn học khác nhau.
  4. Bạn cho học sinh thời gian để xử lý thông tin. Bảng trắng rất phù hợp để làm theo mô hình “I Do, We Do, You Do – Tôi làm, chúng ta làm, bạn làm”. Nếu người dự giờ bước vào trong khi bạn đang ở giai đoạn “Tôi làm” (điều mà người dự giờ không thích ở giáo viên), hãy yêu cầu học sinh sử dụng bảng trắng cá nhân và chuyển sang giai đoạn: “Chúng ta cùng làm”.

Bạn cũng có thể kết hợp hoạt động này với hoạt động thảo luận, hợp tác giữa các học sinh với nhau. Có khi, việc thảo luận đơn giản chỉ là để học sinh chia sẻ câu trả lời trên bảng với bạn mình.

  1. Hai điều đúng và một điều sai

Đây một hoạt động thú vị, vì nó không cần chuẩn bị trước và có thể được tích hợp vào hầu hết mọi bài học. Hoạt động này còn có tên khác là “2 điều nói thật và 1 điều nói dối”. Bạn sẽ yêu học sinh viết ra 3 câu – trong đó có hai câu đúng và một câu sai. Sau khi tất cả học sinh viết xong, hãy yêu cầu chúng làm việc theo cặp đôi và tìm xem đâu là câu sai.

Bạn có thể có sẵn mẫu phiếu cho hoạt động này hoặc đơn giản, yêu cầu học sinh viết ra bảng cá nhân hoặc viết ra một mảnh giấy một cách rất nhanh chóng.

Cũng tương tự như hai hoạt động trên, hoạt động này khiến cho người dự giờ nhận thấy:

  1. Bạn lên kế hoạch cho các hoạt động học tập khiến học sinh hào hứng với các kĩ năng viết.
  2. Bạn khuyến khích học sinh sử dụng tư duy bậc cao một cách hấp dẫn, thú vị.
  3. Bạn lên kế hoạch cho các hoạt động mà học sinh có thể thảo luận và giao tiếp và tương tác hiệu quả với nhau.
  4. Bạn mong muốn tất cả học sinh đều được tham gia vào hoạt động.

Với ba hoạt động đơn giản trên, chắc chắn sẽ nhanh chóng thay đổi bầu không khí lớp học và thúc đẩy sự tương tác hiệu quả giữa học sinh – đó cũng là điều mà ban giám hiệu hay những người dự giờ luôn mong muốn ở một giáo viên như bạn.


Tham khảo bộ tài liệu: HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC Ý TƯỞNG VÀ CÔNG CỤ: https://taotailieu.com/tai-lieu/tai-lieu-hoat-dong-day-hoc-y-tuong-va-cong-cu/

https://thuviengiangday.com