Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” – (Ngạn ngữ châu Phi)

Giáo viên là chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy trong khi cha mẹ là chuyên gia về con cái của họ. Mối quan hệ lành mạnh, tích cực giữa giáo viên và phụ huynh có thể thúc đẩy học sinh học tập tốt hơn. Việc giao tiếp hiệu quả giữa hai bên là yếu tố rất quan trọng để chuẩn bị cho học sinh phát huy được tối đa tiềm năng của chúng. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều giáo viên vẫn cho rằng, công việc của họ là giảng dạy, họ không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải xây dựng mối quan hệ với phụ huynh. Họ cho rằng, việc dành thời gian cho các mối quan hệ với phụ huynh là một công việc vô ích và mất thời gian. Nhiều giáo viên còn đặt phụ huynh trong một trận tuyến đối lập thậm chí là căng thẳng và gay gắt.

Quá trình giáo dục một đứa trẻ không chỉ đơn thuần là điểm số và lên lớp, mà đó còn là cách mà người lớn tạo dựng một môi trường học tập để giúp trẻ trở thành con người tốt hơn và có hiểu biết về thế giới xung quanh. Để làm được điều đó, giáo viên và phụ huynh cần có sự hỗ trợ, phối hợp và giao tiếp hiệu quả. Giáo viên sẽ không thể đạt được mục tiêu giảng dạy nếu như không có sự hỗ trợ của phụ huynh, và đương nhiên, phụ huynh cũng không thể giúp con họ trưởng thành nếu không có công việc giảng dạy của các thầy cô giáo.

Với tư cách là một giáo viên, hãy làm theo 11 lời khuyên đơn giản sau để có thể tạo dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cha mẹ học sinh của bạn:

  1. Giáo viên nên bắt đầu năm học mới bằng một cuộc họp phụ huynh tích cực
  2. Hãy chào cha mẹ và mỉm cười với họ mỗi khi gặp mặt. Một cuộc gặp gỡ tích cực và thân thiện có thể sẽ tạo ra rất nhiều điều khác biệt.
  3. Tìm hiểu tên của phụ huynh và nói rõ kì vọng của bạn trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Làm rõ tác động tích cực của mối quan hệ gia đình và nhà trường, giáo viên và phụ huynh đối với con cái của họ
  4. Luôn duy trì liên lạc với cha mẹ học sinh. Không chỉ để báo cáo những vấn đề về hành vi hay kết quả học tập mà những lời cảm ơn về những gì họ đã hỗ trợ bạn.
  5. Tìm người kết nối khi giáo viên và phụ huynh có những rào cản. Đừng bao giờ ngần ngại duy trì liên lạc với cha mẹ học sinh.
  6. Hỏi phụ huynh các câu hỏi về con cái họ. Yêu cầu phụ huynh thông báo cho giáo viên nếu con họ gặp bất kì trục trặc nào.
  7. Lắng nghe cha mẹ và khuyến khích họ nói rõ những quan điểm và kì vọng đối với giáo viên và con cái họ.
  8. Hỏi phụ huynh về những năng khiếu, thế mạnh của từng đứa trẻ. Một giáo viên giỏi luôn hướng tới sự phát triển toàn diện của học sinh
  9. Hãy mời phụ huynh tham gia một số hoạt động của lớp, hãy tham khảo ý kiến của họ khi đưa ra các quyết định quan trọng. Hãy lắng nghe ý kiến ​​thật cẩn trọng và đi đến kết luận của riêng bạn.
  10. Chia sẻ với cha mẹ học sinh những thành tích hay những điểm nổi bật của con cái họ trong quá trình học tập hàng ngày.
  11. Hướng dẫn cha mẹ những phương pháp, kỹ thuật đơn giản để họ có thể áp dụng để dạy con học tại nhà.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ khi cha mẹ giao tiếp với giáo viên hiệu quả và tham gia vào quá trình giáo dục con cái, trẻ mới có cơ hội thành công ở trường học và trong các môi trường giáo dục. Những học sinh nhận thức được sự giao tiếp thường xuyên giữa giáo viên và phụ huynh sẽ tin tưởng giáo viên hơn rất nhiều và thể hiện sự nỗ lực nhiều hơn trong quá trình học tập. Tương tự như vậy, nếu học sinh biết rằng giáo viên và cha mẹ chúng không có sự trao đổi hay hợp tác, hành vi của chúng sẽ có thiên hướng chống lại cả giáo viên và có các vấn đề về hành vi trong lớp học. Điều đó sẽ tạo ra rắc rối cho giáo viên trong quá trình dạy học.

Có thể nói, việc xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực với phụ huynh sẽ có nhiều lợi ích cho sự tiến bộ của học sinh. Chính vì vậy, hãy chào đón sự có mặt của phụ huynh, hãy coi họ là đối tác trong quá trình giáo dục / giảng dạy của bạn.

https://thuviengiangday.com