Một giáo viên trung học tên là Kelly Ann Ydrovo gần đây đã hoàn thành luận văn cao học và đưa ra 10 chiến thuật giúp đối phó với các phụ huynh khó tính trong các tính huống khó khăn. Hãy đọc những mẹo dưới đây để giúp bạn hình thành mối quan hệ tích cực mang tính xây dựng với phụ huynh và học sinh.

  1. Hãy giữ sự bình tĩnh và thân thiện

Sự nóng giận vốn chẳng đem lại được điều gì tốt đẹp. Mọi thành công chỉ có thể được tạo ra khi 2 bên bình tĩnh đối thoại và hiểu biết về nhau. Khi giải quyết vấn đề với những phụ huynh khó tính, giáo viên phải duy trì được sự bình tĩnh và các chuẩn mực nghề nghiệp. Các giáo viên phải cố gắng tìm cách để tiếp cận được với những phụ huynh khó tính vì mục đích cuối cùng là giúp học sinh. Đừng quan tâm nhiều quá đến sự tức giận của phụ huynh. Thông thường khi vấn đề xảy ra các phụ huynh thường sẽ đổ trách nhiệm lên những người gần họ và trong trường hợp này chính là các giáo viên

  1. Xây dựng sự tin tưởng

Một kĩ thuật để xây dựng lòng tin đó là chạm đến những giá trị cốt lõi. Phụ huynh luôn muốn nghe về những điều tốt đẹp đang xảy ra trong lớp học của con họ. Chứ không chỉ đơn thuần là những thông tin từ việc trẻ mắc lỗi. Nếu có thể bạn hãy gửi tin nhắn thể hiện sự tự hào, tin tưởng của bạn đối với một học sinh có tiến bộ đến với phụ huynh. Nó chứng tỏ rằng giáo viên luôn quan tâm và nhìn nhận những điều tốt đẹp chứ không phải lúc nào cũng bắt lỗi những sai lầm của học sinh. Khi làm được điều này nghĩa là bạn đang tư duy rất tích cực. Phụ huynh sẽ nhận ra bạn luôn đồng hành cùng với họ và con cái họ.

  1. Mối quan hệ với cộng đồng

Việc xây dựng cộng đồng có thể tạo nên những mối quan hệ tuyệt vời. Đó là nguyên tắc tất cả cùng có lợi. Học sinh có lợi khi chúng đạt được sự tiến bộ trong học tập và nhận được sự giúp đỡ từ giáo viên. Cộng đồng có lợi khi những đứa trẻ được giáo dục tốt sẽ là những công nhân tốt trong tương lai. Trường học có lợi khi tất cả mọi người thấy rằng trường học thực sự cần thiết cho những đứa trẻ. Sau tất cả trường học sẽ tự nguyện hỗ trợ cộng đồng và cộng đồng lại hỗ trợ trường học.

  1. Thể hiện sự quan tâm

Phụ huynh muốn nhìn thấy các giáo viên thực sự quan tâm con họ. Việc liên tục liên hệ với phụ huynh dường như là điều khá khó khăn nhưng bạn vẫn có nhiều cách khác để thể hiện sự quan tâm. Ngày đầu tiên của năm học phụ huynh được chào đón đến trường, được các giáo viên giới thiệu về các hoạt động của năm học. Trong khi đang chú ý đến những thông tin quan trọng, các giáo viên hãy khéo léo đưa ra những điểm tích cực của học sinh. Khuyến khích phụ huynh liên hệ với giáo viên khi họ lo lắng về các vấn đề xảy ra trong trường. Hãy hình dung nếu bạn có một đứa con bạn quan tâm đến con bạn như thế nào thì các phụ huynh cũng quan tâm đến những đứa trẻ như vậy.

  1. Xác lập vị trí chủ động

Một cách để đo được sự tự tin và sự chủ động trong những tình huống khó khăn là hãy nhìn thẳng vào mắt của người đối diện. Tôi biết rất nhiều giáo viên nhất là các giáo viên trẻ thường lo lắng khi nói chuyện với phụ huynh, không dám nhìn trực diện khi đối thoại. Việc nhìn thẳng vào mắt chứng tỏ rằng bạn đang rất quan tâm đến người đối diện. Bạn đồng cảm với phụ huynh và lắng nghe một cách tích cực. Việc nhìn thẳng vào mắt còn thể hiện rằng bạn tôn trọng phụ huynh. Bằng cách này bạn sẽ có được sự chủ động trong giao tiếp và tự tin khi đưa ra các giải pháp

  1. Nói giọng vừa đủ nghe, chọn tông giọng phù hợp

Phụ huynh khi phải đối mặt với giáo viên họ luôn trong trạng thái đối đầu căng thẳng. Trong nhiều trường hợp phụ huynh cảm thấy rằng con họ bị đối xử không công bằng và muốn giáo viên thay đổi điều đó. Cách thông thường mà họ thường làm là trút giận, tuôn ra những câu chuyện dài tập và quy kết trách nhiệm cho giáo viên. Dường như họ đang cố gắng tìm kiếm một sự công bằng trước khi các giáo viên cất lời giải thích. Một kĩ thuật hiệu quả là các giáo viên hãy sử dụng giọng nói nhỏ, chậm nhưng cứng rắn. Thông thường những phụ huynh đang tức giận sẽ có xu hướng nói nhanh, to, giọng nói mang tính áp đặt. Khi giáo viên nói với âm lượng nhỏ khiến cho âm thanh sẽ kém rõ ràng hơn nhưng vẫn đủ để phụ huynh phải chú ý. Vì vậy phụ huynh thay vì tập trung vào những điều họ đang tức giận họ có xu hướng dồn toàn bộ năng lượng để nghe rõ những gì giáo viên nói. Thêm vào đó khi phụ huynh bình tĩnh trở lại tự bản thân họ cũng cân nhắc về âm lượng họ đang sử dụng và sự phù hợp khi giao tiếp với giáo viên của con họ

  1. Nhận thức được rằng mọi người đều có sai lầm

Mỗi người không tránh khỏi một sai lầm. Một giáo viên phải làm rất nhiều công việc, phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều vấn đề vì vậy sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Một khi phụ huynh tỏ ra tức giận trước một sai lầm của giáo viên, hãy bình tĩnh, tiếp nhận các thông tin. Nếu lỗi thuộc về giáo viên hãy xin lỗi phụ huynh một cách thành thật. Nếu lỗi không hoàn toàn thuộc về giáo viên hãy yêu cầu nhà trường hỗ trợ để làm rõ. Khi vấn đề được giải quyết hãy chia sẻ thông tin đến với phụ huynh theo nguyên tắc win – win. Chắc chắn rằng phụ huynh sẽ hiểu và phối hợp cùng với chúng ta.

  1. Thể hiện sự thông cảm

Cụm từ “tôi rất lấy làm tiếc vì những gì đã xảy ra” vô cùng hiệu quả những từ đó có tác dụng không nhỏ trong khi giải quyết vấn đề. Đầu tiên nó thể hiện rằng bạn đang lắng nghe những gì phụ huynh nói. Thêm vào đó nó xác nhận những gì đã xảy ra, đồng cảm với phụ huynh và tạo cơ hội để xây dựng mối quan hệ. Đôi khi một phụ huynh cũng chỉ mong muốn có một ai đó chia sẻ với họ. Câu nói đó thể hiện bạn đang đặt mình vào vị thế của phụ huynh. Bạn cũng rất bình tĩnh và tạo cơ hội để phụ huynh cũng bình tĩnh đối thoại với bạn. Điều này có hiệu quả cao để cải thiện các mối quan hệ. Mặc dù cùng là một lời xin lỗi nhưng không có nghĩa rằng bạn đã sai mà đơn giản vì bạn đang chủ động nhận lỗi về mình. Vậy phụ huynh sẽ phải có cách cư sử sao cho phù hợp.

  1. Đưa ra các ví dụ và bằng chứng cụ thể

“Tôi không thể tin rằng con của tôi lại ném bút chì vào mặt bạn”. Thông thường đó là những câu nói mà phụ huynh nói với bạn. Khi liên hệ với phụ huynh thay vì chỉ nói đến hậu quả của sự việc hãy cho phụ huynh biết được nội dung của cả câu chuyện. Bạn hãy hình dung một ngày phụ huynh phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, khi nhận được thông tin không tốt về con chắc chắn phụ huynh sẽ rất hoang mang và tức giận. Họ cần có thêm thông tin và những bằng chứng về những gì đã xảy ra. Phụ huynh cũng muốn biết bạn đã làm gì với con của họ. Khi giáo viên có bằng chứng và những thông tin đầy đủ, phụ huynh sẽ hiểu vấn đề một cách rõ ràng hơn. Họ cũng sẽ có những cách để hợp tác, hỗ trợ giáo viên.

  1. Hãy cung cấp thêm các thông tin cho phụ huynh.

Để giúp phụ huynh khỏi cảm thấy hoang mang về những gì đã diễn ra trong trường học. Nhà trường hãy mở rộng cách cổng, hãy để một phòng trống hoặc một chiếc bàn trong đó có sẵn các nguồn tài liệu. Phụ huynh có thể hiểu được về chương trình giáo dục của nhà trường, hiểu được cách đánh giá bài tập về nhà của con họ. Phụ huynh cũng biết về các dự án, các hoạt động của học sinh và nhà trường trong tương lai. Phụ huynh cũng hiểu về cách nhà trường mang đến kiến thức từ môn học áp dụng vào cuộc sống và nhìn thấy con họ đang là một phần của trường học. Là giáo viên, hãy chào đón phụ huynh đến với trường đừng bao giờ để phụ huynh có cảm giác rằng họ là người ngoài cuộc.

Giải quyết vấn đề với phụ huynh chưa bao giờ là công việc dễ dàng đối với các giáo viên. Để tránh được những điều không mong muốn các thầy cô hãy cân nhắc thật kĩ về những việc mình làm. Nó không chỉ giúp các giáo viên tránh được những tai nạn trong nghề nghiệp mà còn xây dựng được một mối quan hệ tích cực, tạo dựng được mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.

Nguyễn Hữu Long dịch

Tác giả: Kelly Ann Ydrovo