Để tìm hiểu về tâm lý và tình cảm của trẻ em khi mới đến trường, các nhà giáo dục ở Úc đã phỏng vấn và trò chuyện với các em thiếu nhi tại các trường nhà trẻ mẫu giáo và tiểu học (Children’ voices 2012, the Minister for Community Service, ACT). Các em đã nói rằng:
- “Con thấy mình nhút nhát vì con không biết ai ở trường cả”
- “Con thấy buồn vì con phải xa mẹ và con thì chưa bao giờ xa mẹ cả”
- “Con thấy sợ và thất vọng vì các bạn của con đều không cùng lớp với con”
- “Con thấy mình nhút nhát, buồn, lo sợ và vui chút chút vì ở trường có rất nhiều người”
- …
Nhà – Trường và những điều mới mẻ trong nhà trường
Trong tiếng Việt, hai từ nhà trường thật ý nghĩa vì coi trường là ‘nhà’, mà nhà là nơi có thể đem đến cảm giác an toàn, cảm giác được thuộc về và mọi người được là chính họ, đóng đúng vai trò của họ. Từ nhà đến trường và biến trường thành nhà trường đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi thành phần liên hệ một cách chặt chẽ và bền vững.
Đối với trẻ trong những năm đầu đời, việc xây dựng, hình thành nhân cách và cung cấp các kiến thức kỹ năng là hai khía cạnh luôn đi đôi với nhau và có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến việc sống và học tập sau này. Có những nghiên cứu đã cho thấy sự ảnh hưởng ấy có khi là cả đời. Việc thay đổi và hội nhập vào nhà trường không đơn giản chỉ là 1 + 1 bằng 2. Trường không hẳn nhiên là nhà của trẻ và sẽ không thể là nhà trường nếu trẻ không có được cảm giác yêu thương, tôn trọng và thuộc về.
Đối với người lớn chúng ta, những người đã có những kinh nghiệm khác nhau trong việc phải thay đổi môi trường sống hoặc môi trường làm việc, việc thay đổi không luôn luôn là dễ dàng. Ví dụ, khi chúng ta thay đổi chỗ ở, chỗ làm, có lúc chúng ta cảm thấy tự tin, hứng khởi để đến sống trong một khu đô thị mới, hoặc một vùng quê thanh bình. Điều đó có lúc cũng không thể giúp chúng ta không trải qua những cảm giác hụt hẫng vì phải xa người thân, bạn bè và phải làm lại từ đầu trong môi trường sống mới. Khi thay đổi công việc, thay đổi môi trường làm việc cũng thế. Cảm giác không biết mọi người trong môi trường mới này sẽ thế nào, họ sẽ hỗ trợ, hợp tác hay dễ kết bạn hay không v.v sẽ khiến chúng ta có nhiều cảm giác lo lắng, buồn, vui lẫn lộn.
Cũng thế, trẻ trong những năm đầu đời đến trường (tuổi nhà trẻ mẫu giáo hay cả những trẻ ở tuổi cấp 1), phải xa rời sự bảo bọc của những người thân yêu, trẻ sẽ trải qua những thời khắc thách thức khi phải làm quen, học tập và vui chơi với những người mình chưa bao giờ gặp gỡ, thân thiết. Môi trường đặc biệt của trường lớp với nhiều đối tượng, lứa tuổi, công việc khác nhau, luật lệ khác nhau đối với từng lớp, từng khu vực v.v đều cần trẻ học, nhớ, hội nhập. Điều đó quả thật không là lẽ ‘đương nhiên’ phải biết đối với trẻ. Đó là điều đôi khi trong môi trường giáo dục như ở Việt Nam, do số lượng học sinh trong lớp quá đông, việc dành thời gian để trẻ học hỏi và hội nhập đã không được chuẩn bị tốt. Giáo viên đôi khi ‘mặc định’ rằng trẻ phải ‘đương nhiên’ biết nói năng lễ phép, ‘đương nhiên’ biết nhận định đúng sai đối với các điều lệ của trường lớp, ‘đương nhiên’ phải nắm bắt ngay điều giáo viên dạy, ngay cả khi giọng nói hay cách giải thích của giáo viên không giống chút nào với giọng nói và cách giải thích của ba mẹ ở nhà. Giáo viên đã quên rằng, trẻ mới chỉ bắt đầu những kinh nghiệm đầu đời của mình trong các hoạt động và luật lệ giao tiếp, ứng xử xã hội.
- Gia đình và việc chuẩn bị cho trẻ đến trường
“Bắt đầu vào tiểu học là một giai đoạn hết sức quan trọng đối với trẻ và gia đình. Những trẻ có sự khởi đầu tốt sẽ có những cảm nhận tích cực về bản thân, nhà trường và nhu cầu muốn được tham gia vào cộng đồng nhà trường ấy” (Connor and Linke 2012).
Việc hội nhập của trẻ vào môi trường nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi hơn nếu như người lớn có sự chuẩn bị tốt cho trẻ các những kỹ năng và kiến thức phù hợp về việc phục vụ bản thân, giao tiếp và kỹ năng học tập. Việc chuẩn bị này có thể xoay quanh các vấn đề:
- Giao việc cho trẻ, ví dụ như: phân loại quần áo, đồ dùng, đồ chơi
- Giúp trẻ có trách nhiệm và bổn phận trong một số việc nhà như: lau bàn, thu dọn đồ dùng đồ chơi của trẻ
- Để trẻ tham gia ý kiến trong một số việc: mặc quần áo nào thì phù hợp với sự kiện nào, lên thực đơn, chọn lựa thực phẩm cho gia đình
- Nói chuyện với trẻ về những điều xảy ra xung quanh trẻ. Ví dụ như việc đảm bảo luật đi đường, bỏ rác vào đúng nơi quy định, không nói to khi đi cửa hàng, siêu thị
- Chơi cùng trẻ, đọc sách cùng trẻ vào một khoảng thời gian ngắn nhất định vào mỗi tối
- Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi cho ba mẹ và thảo luận cùng trẻ về đáp án cho câu hỏi ấy
- Giáo viên và việc xây dựng môi trường nhà trường
Về phía nhà trường và giáo viên, việc tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, ấm áp, tôn trọng và chuyên nghiệp trước nhất sẽ làm cho giáo viên cảm thấy bản thân có giá trị, được tôn trọng và yêu thích nơi làm việc của mình, và điều đó dĩ nhiên cũng sẽ có tác động không nhỏ đến học trò, phụ huynh và những người liên hệ khác nữa đối với nhà trường.
Giáo viên cần luôn nhớ rằng, khi đến trường, trẻ cần:
- Được khuyến khích để có cảm nhận tốt về bản thân
- Có cảm giác được tôn trọng
- Có cảm giác an toàn và vui vẻ, thân ái
Điều này sẽ đem lại lợi ích:
- Trẻ có cảm giác mình được thuộc về, tự hào về trường lớp và muốn đến lớp cũng giống như muốn về nhà
- Hình thành trong trẻ cảm giác an toàn và ước muốn tạo dựng sự an toàn, thân thiện với mọi người
- Xây dựng tính tự tin, tin vào bản thân và tin tưởng người khác, tôn trọng người khác.
- Xây dựng mục đích sống và làm việc, ước muốn được là và được làm.
- Yêu thích khám phá, tìm tòi, đặt câu hỏi và trao đổi với mọi người
Để làm được những điều trên, giáo viên cần xác định những gì mình có thể làm, cần làm để giúp xây dựng một môi trường học tập như thế. Những câu hỏi sau có thể sẽ là những gợi ý nho nhỏ giúp giáo viên tự lên kế hoạch và tự đánh giá bản thân trong kế hoạch xây dựng một môi trường học tập tốt.
Có | Không | Cần cải thiện điều gì? Như thế nào? | |
Tôi có cho trẻ biết rằng tôi có mặt ở đây là để giúp trẻ chứ không phải để gây áp lực cho trẻ | |||
Từ những ngày đầu đến trường, tôi có tạo điều kiện cho trẻ có thời gian làm quen với cô, trò, bạn bè | |||
Tôi có học tên của trẻ, thuộc và gọi tên trẻ khi có thể | |||
Tôi có thể hiện cho trẻ biết rằng tôi yêu quý con người của trẻ và những khả năng của trẻ | |||
Tôi có làm gương cho trẻ về việc không thiên vị, đối xử với mọi người như nhau và tôn trọng ý kiến của trẻ | |||
Tôi có cho trẻ thấy rằng tôi rất vui khi thấy những tiến bộ và thành công của trẻ | |||
Tôi có khen trẻ thường xuyên về khả năng và thái độ tốt của trẻ | |||
Tôi có tạo cơ hội cho tất cả trẻ để trẻ thể hiện khả năng của mình | |||
Tôi có lên kế hoạch để khuyến khích từng cá nhân trẻ trong học tập và thái độ sống | |||
Tôi có chấp nhận lắng nghe ý kiến, câu chuyện của trẻ | |||
Tôi có công nhận và khen ngợi những bước tiến nho nhỏ của trẻ | |||
Khi trao đổi với phụ huynh, tôi có cho họ thấy những tiến bộ nho nhỏ của trẻ và mong ước của tôi trong những ngày tới | |||
Tôi có khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động mới, bài tập mới, kinh nghiệm học tập mới | |||
Tôi có để trẻ tự quyết định hoặc lựa chọn trong một số vấn đề | |||
Tôi có cho trẻ biết rõ rằng cái gì được và không nên làm trong lớp | |||
Tôi có thỉnh thoảng nói chuyện riêng, quan tâm đến từng cá nhân | |||
Tôi có tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của trẻ với cả lớp, với nhóm | |||
Tôi có cho trẻ biết rằng tôi và các bạn đã nhớ trẻ khi trẻ phải nghỉ học vì lý do gì đó và mọi người đều mong trẻ trở lại lớp | |||
Tôi có tạo điều kiện cho trẻ được học cách làm việc cùng nhau | |||
Tôi có hướng dẫn trẻ về những kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp | |||
Tôi có kế hoạch để cả lớp có được những giờ thật vui vẻ với nhau trong tuần | |||
Tôi có trao đổi với đồng nghiệp, phụ huynh để học hỏi và trau dồi thêm kiến thức và phương pháp giảng dạy |
(Tác giả: Thanh Hiếu OP)