Phản hồi là một công cụ quan trọng giúp học sinh học tập hiệu quả. Mục đích chính của phản hồi nhằm cho người học biết mức độ làm chủ kiến thức, kĩ năng và cách để có thể cải thiện. Phản hồi đi kèm với hướng dẫn rõ ràng sẽ là một công cụ quan trọng đối với quá trình học tập.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi muốn đưa ra một số cách để đưa phản hồi hiệu quả đến người học.
- Cung cấp phản hồi và sự quan tâm
Cung cấp phản hồi là một chiến thuật hiệu quả cải thiện việc học của học sinh. Nó dựa trên việc đối chiếu kết quả học tập với các mục tiêu và chỉ ra những cách để học sinh có thể cải thiện. Khi giáo viên đưa phản hồi đến người học đó cũng là cách để thể hiện sự quan tâm đến học sinh. Đồng thời với đó, sự quan tâm cũng sẽ làm cho các phản hồi của giáo viên trở nên hiệu quả hơn, người học cũng dễ dàng tiếp thu và điều chỉnh quá trình học tập của bản thân.
- Lựa chọn thời điểm
Mọi yếu tố xảy ra trong cuộc sống đều có những thời điểm nhất định. Do đó, phản hồi cũng phải đến đúng thời điểm để học sinh thực hiện các điều chỉnh liên quan đến mục tiêu đã xác định trước. Khi học sinh được đưa ra phản hồi vào một thời điểm thích hợp, nó sẽ thúc đẩy học sinh suy ngẫm về các kết luận của giáo viên.
Các phản hồi có thể diễn ra trong quá trình học sinh thực hiện hoạt động, khi giáo viên phát hiện ra những sai sót/vấn đề có thể điều chỉnh luôn để giúp học sinh tránh được những sai lầm không cần thiết. Phản hồi cũng có thể được đưa ra sau khi hoạt động đã kết thúc, giáo viên có thể sử dụng kết quả/sản phẩm học tập của học sinh làm cơ sở thúc đẩy học sinh suy ngẫm và sau đó đưa ra những nhận xét cần thiết để học sinh có thể phát huy những điểm tốt và cải thiện những điểm còn thiếu sót.
- Cung cấp giải pháp cho các câu hỏi “Ở đâu” và “Cái gì”
Mục đích chính của phản hồi là sửa chữa các vấn đề lớn liên quan đến học tập hoặc hành vi. Phản hồi của giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh đi đúng đường bằng cách trả lời các câu hỏi “Tôi đã sai ở đâu? ” và “Tôi có thể làm gì để sửa chữa/khắc phục?” Đây là những câu hỏi thường nảy sinh trong đầu của học sinh khi nhận được các đánh giá về kết quả học tập.
Những phản hồi chung chung như “làm tốt” “cần cố gắng” “cần phát huy” sẽ là những phản hồi không hiệu quả, nó không giúp học sinh nhận ra những gì mình làm tốt và chưa tốt và đương nhiên sẽ không thể khắc phục được nó.
- Phản hồi nên đưa ra cả điểm mạnh và điểm yếu
Phản hồi mang tính xây dựng sẽ tạo động lực và thúc đẩy học sinh cải thiện bản thân. Giáo viên nên chú ý đến điều này khi cung cấp phản hồi cho học sinh. Trong các phản hồi, giáo viên không phải chỉ tập trung vào những điểm yếu của học sinh mà còn phải giúp học sinh nhận ra điểm mạnh của bản thân. Hãy nhớ đến trải nghiệm khi chúng ta còn là học sinh, khi nhận được lời khen ngợi về những mặt tích cực của bản thân, tất cả chúng ta đều cảm thấy sung sường, tự hào và có thêm nguồn cảm hứng để tiếp tục nỗ lực, cố gắng.
Việc đưa ra cả điểm mạnh và điểm yếu trong các phản hồi còn khiến cho học sinh cảm nhận được sự quan tâm và công bằng của giáo viên. Nó tránh cho học sinh cảm giác bị “phê bình” quá nhiều, nó cũng giúp giáo viên tránh được cảm giác rằng họ đang soi mói lỗi sai của người học.
- Đa dạng phương thức phản hồi
Chúng ta thường phản hồi cho học sinh bằng cách nào? Đương nhiên rồi, chúng ta sẽ đưa ra những nhận xét trực tiếp trên lớp. Nhưng liệu rằng còn cách phản hồi nào hiệu quả hơn không? Có chứ, bạn có thể đưa ra phản hồi bằng văn bản, hoặc cho học sinh nhận xét, phản hồi lẫn nhau. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ, bạn có thể sử dụng các công cụ công nghệ để đưa ra phản hồi đúng lúc, đúng chỗ, kịp thời cho học sinh của mình.
Việc đưa ra các phản hồi cũng không nên chỉ dừng lại ở một chiều từ phía giáo viên, bạn có thể phát triển nội dung phản hồi thành các cuộc trao đổi, thảo luận với học sinh, để chính học sinh cũng trở thành người đưa phản hồi về quá trình học tập của bản thân.
- Chia thành các giai đoạn để thực hành lại
Các phản hồi có thể cho phép bạn tập trung mọi suy nghĩ và nỗ lực để cải thiện quá trình học tập. Tuy nhiên, nếu các phản hồi quá nhiều và dồn dập, người học sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu, nên cải thiện những gì. Chính vì thế, khi đưa phản hồi, bạn nên chia thành các giai đoạn. Mỗi giai đoạn bạn lại tập trung vào một số lỗi/vấn đề cơ bản. Lời khuyên của các chuyên gia cho rằng, bạn không nên đưa ra quá 5 lỗi sai của học sinh trong một lần nhận xét. Vì nhiều quá đồng nghĩa với việc là không có sự thay đổi.
Ngay khi đưa ra các phản hồi, giáo viên cần vạch ra lộ trình và các cơ hội để học sinh thực hành, làm lại, sửa sai. Bởi lẽ, những lỗi sai sẽ vẫn chỉ là những lỗi sai và học sinh sẽ vẫn lặp lại nó nếu không có cơ hội thực hành, sửa sai và làm lại.
- Thúc đẩy sự tự tin của học sinh
Học tập là một nhiệm vụ của học sinh và không phải môn học nào cũng hấp dẫn. Học sinh này có thể thấy môn khoa học thú vị nhưng học sinh khác lại thấy rất khó. Chính vì vậy, khi đưa ra các phản hồi, giáo viên cần lưu ý để học sinh cảm thấy có được sự tự tin, tôn trọng sự khác biệt và không làm cho học sinh cảm thấy ngại hay xấu hổ.
Bên cạnh đó các phản hồi thường xuyên nên tập trung vào phát triển sự tự tin và năng lực của bản thân từ đó tích cực, chủ động và tự giác hơn trong quá trình học tập.
- Đối tượng cụ thể
Lớp học có bao nhiêu học sinh thì có bấy nhiêu năng lực, sở thích, tính cách, nhu cầu… Điều đó có nghĩa là giáo viên phải cá nhân hóa các phản hồi với từng nhóm đối tượng học sinh cụ thể. Có những học sinh thích nhận phản hồi trực tiếp nhưng cũng có những học sinh mong muốn nhận được phản hồi qua hình thức văn bản.
Bên cạnh đó, cùng một nhiệm vụ học tập nhưng mỗi học sinh lại có mức độ hoàn thành cũng như gặp phải các vấn đề khác nhau. Vai trò của người giáo viên là có thể nhận ra và có phản hồi chính xác về từng vấn đề mà cá nhân học sinh gặp phải cũng như cách để khắc phục chúng.
- Thúc đẩy quá trình suy ngẫm của học sinh
Phản hồi là một công cụ hiệu quả cho phép học sinh nhìn lại những gì chúng đã làm những lỗi mà chúng đã mắc. Nó cho phép học sinh quay lại các hành động trong quá khứ, thông qua phản hồi học sinh sẽ nhận ra những vấn đề của bản thân và biết cách cải thiện.
Trọng tâm của việc phản hồi đôi khi không phải là chỉ ra những lỗi sai hay khuyến khích những điều đã làm đúng, mục đích quan trọng nhất của phản hồi là thúc đẩy quá trình suy ngẫm của học sinh. Phản hồi phải biến việc suy ngẫm trở thành một thói quen của học sinh trong quá trình học tập. Nó cũng mang đến những kĩ thuật, chiến lược cụ thể để học sinh có thể sử dụng trong quá trình suy ngẫm/
- Phản hồi mang tính xây dựng
Các phản hồi không bao giờ được mang tính phê phán hay chỉ trích cá nhân học sinh. Các phản hồi phải rõ ràng, minh bạch, có bằng chứng cụ thể và không được mang cảm xúc cá cá nhân. Chính vì thế trong quá trình đưa phản hồi, giáo viên cần chú ý đến ngôn ngữ, giọng điệu và phong cách giao tiếp. Bằng cách đó giáo viên sẽ tối đa hóa được ảnh hưởng của các phản hồi làm cho nó trở nên tích cực và mang tính xây dựng đối với học sinh.
Có thể thấy, kết quả học tập của học sinh có mối liên hệ mật thiết với các phản hồi thường xuyên mà giáo viên đưa ra. Để phản hồi mang lại lợi ích cho học sinh, điều quan trọng là bạn phải có quan điểm khách quan và mang tính xây dựng. Khi đó, các phản hồi không chỉ giúp học sinh cải thiện quá trình học tập mà còn giúp bạn trở thành một người giáo viên hiệu quả.
Các thầy cô có thể tham khảo các ý tưởng tổ chức hoạt động dạy học trong bộ tài liệu: HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC – Ý TƯỞNG VÀ CÔNG CỤ
https://thuviengiangday.com