Bản chất của quá trình dạy học là dạy ngôn ngữ, là quá trình trẻ tiếp nhận các khái niệm và sử dụng nó dưới 4 dạng thức nghe, nói, đọc viết. Ngày nay sự phát triển của giáo dục khiến các trường quốc tế phát triển rất mạnh mẽ, đi liền với nó là sự suy giảm năng lực kĩ năng tiếng Việt. Bài viết dưới đây, tập trung phân tích vai trò của kĩ năng đọc với sự cân bằng ngôn ngữ của trẻ.

Hiện nay ở Việt Nam xuất hiện rất nhiều các trường Quốc tế, hoặc các trường Song ngữ. Phải thừa nhận rằng, chương trình tiếng Anh cùng đội ngũ giáo viên bản ngữ đã cải thiện kết quả học tập tiếng Anh của học sinh một cách rõ rệt. Tuy nhiên từ thực tế giảng dạy, tôi nhận ra một điều đó là: cùng với sự tăng lên của kĩ năng ngôn ngữ tiếng Anh thì học sinh lại có xu hướng giảm các kĩ năng ngôn ngữ trong tiếng Việt và mất đi sự cân bằng ngôn ngữ.

Trong một lần nói chuyện với một em học sinh lớp 8, học sinh đó đã bảo tôi: “Thầy biết không, mẹ con thống trị hai quán cafe liền!” Tôi giật mình và hỏi, tại sao lại dùng từ đó? con có thể diễn đạt từ khác được không? Cô học sinh đó chữa lại: “con quên, mẹ con cai trị hai quán cafe”… Cũng tương tự như vậy, một cô học sinh lớp 12 của tôi mỗi khi diễn đạt bằng tiếng Việt một khái niệm học thuật trong tiếng Anh (con hiểu rất rõ về khái niệm đó) thì trong một câu độn đến 1/3 là tiếng Anh. Khi tôi yêu cầu con không được dùng tiếng Anh, trông mặt con lúc đó vô cùng đáng thương, con phải rất vất vả để dùng ngôn ngữ cơ thể và các từ mà con biết để biểu đạt. Với tư cách là phụ huynh, chắc hẳn các vị đã nhiều lần gặp câu chuyện tương tự đối với con mình.

Từ câu chuyện trên, tôi thắc mắc rằng tại sao con không dùng từ “quản lí” hoặc đơn giản hơn là “có”, mà lại dùng từ “thống trị” và “cai trị” vốn là hai từ học thuật ở mức độ cao? Khi hỏi lại tôi mới biết rằng, con mới đọc một quyển sách lịch sử và ngay lập tức con đã mượn những từ mà con vừa đọc để ứng dụng vào giao tiếp. Rõ ràng trong trường hợp này, con hiểu nghĩa của từ đó nhưng dùng sai văn cảnh. Đó là hiện tượng phổ biến ở trẻ song ngữ. Cùng với đó, khi học song ngữ cũng xuất hiện các hiện tượng như hiểu nhưng không thể diễn đạt bằng tiếng Việt, sử dụng sai cấu trúc ngữ pháp, sử dụng từ sai văn cảnh, hay hiện tượng vay mượn cách dùng từ và diễn đạt từ tiếng Anh. Ví dụ: thay vì viết là “bút đỏ” thì các bạn học sinh lớp 1 lại viết là “đỏ bút” (red pen).

Vậy đâu là chìa khóa để giúp các thầy cô giáo và phụ huynh có thể giải quyết vấn đề ngôn ngữ trên? Đâu là cách để các con vừa nâng cao được năng lực tiếng Anh mà không bị mất đi ngôn ngữ tiếng Việt? Câu trả lời đó chính là Đọc, đọc bằng cả hai thứ ngôn ngữ. Đọc sẽ mở rộng vốn từ, linh hoạt trong cách diễn đạt và sử dụng mẫu câu, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình chuyển ngữ. Tôi từng thấy, nhiều lớp học tiếng Anh cam kết về sự tiến bộ của học sinh ở cả 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết trong một thời gian ngắn. Nhưng đó thường là không thể, vì theo Thompson và Wyatt sự thành thạo trong kĩ năng Đọc sau đó mới đưa đến sự tiến bộ trong kĩ năng nói và viết. Đồng thời nếu Đọc tốt kĩ năng sử dụng ngôn ngữ ngày càng chính xác hơn. Vào thế kỉ 17, Francis Bacon trong các bài luận nổi tiếng của mình về việc đọc đã khẳng định “Đọc khiến bạn trở thành một con người hoàn thiện”. Đọc không chỉ là sự tiếp nhận và cũng là một kĩ năng của nhận thức của tư duy. Những điều mà người học được học qua quá trình đọc thông thường sẽ được sử dụng trong chính các bài viết của họ. Quá trình học một ngôn ngữ sẽ bị phá hủy nếu như không có kĩ năng đọc. Đọc giống như một cây cầu nối liền khoảng cách giữa hai ngôn ngữ mở, ra một chân trời mới trong nhận thức và tư duy của người học.

– Nguyễn Hữu Long –

Tham khảo các bộ tài liệu về phát triển kĩ năng đọc cho học sinh:

1. [Cá voi đọc sách] 42 hoạt động hình thành và luyện tập các chiến thuật đọc sách
2. [Cá voi đọc sách] 50 Hoạt động sáng tạo trong giờ đọc sách dành cho học sinh Tiểu học
3. [Cá voi đọc sách] 30 sơ đồ hỗ trợ tư duy khi đọc sách_Dành cho học sinh Tiểu học