Là giáo viên, chúng ta thường lên kế hoạch cho tất cả các tình huống trên lớp, nhưng không nhất thiết phải lên kế hoạch nếu một học sinh quậy phá. Hãy đọc về một số mẹo này để tìm hiểu cách xử lý học sinh la hét và giận dữ để bạn có thể nhanh chóng giải quyết tình huống và quay trở lại bài học.

Hãy xem xét tại sao học sinh lại hét lên và tức giận

Đa phần học sinh đều biết dùng giọng nói vừa phải khi chúng ở trong lớp. Tuy nhiên có một số trường hợp cá biệt, là khi một học sinh có thể cao giọng. Hãy xem bốn lý do phổ biến mà bạn có thể thấy mình phải đối mặt với việc học sinh la hét

– Chúng muốn được chú ý: Học sinh  của bạn muốn bạn coi trọng chúng. Nếu bạn không cho học sinh sự chú ý đặc biệt mà chúng nghĩ chúng xứng đáng, chúng sẽ hành động bằng cách lớn tiếng, vì vậy bạn sẽ phải dành cho chúng sự chú ý.

– Học sinh thất vọng. Cho dù đó là vì học sinh không hiểu được bài tập, hay chúng không thích nhận được điểm kém, hoặc chúng nhầm lẫn về khái niệm bạn đang dạy, nỗi thất vọng có thể dẫn tới sự giận dữ sẽ khiến chúng la hét sau đó.

– Chúng muốn thể hiện quyền của bản thân. Chúng ta liên tục phải đưa ra hướng dẫn cho học sinh và chỉ cho chúng đường đi nước bước. Nếu một học sinh cảm thấy mệt mỏi khi được yêu cầu làm mọi việc, nó sẽ chọn cách khẳng định sức mạnh của mình để cảm thấy được kiểm soát theo cách có tiếng nói.

– Chúng đang buồn bực. Học sinh có thể buồn bực bởi vì chúng không được thử thách hay tham gia vào bài học. Các tài liệu bài học có thể quá đơn giản với chúng, nhịp độ của bài học có thể quá chậm, hay đơn giản là vì chúng không thích. Dù lý do là gì, sự buồn chán cũng có thể dẫn đến gián đoạn bài học.

Mặc dù đây là những lý do phổ biến khiến học sinh có thể la hét hay tức giận, hãy nhớ rằng học sinh của bạn cũng có thể hành động như vậy bởi những lý do cá nhân hay vấn đề về gia đình. Chúng có thể cảm thấy lo lắng, bất an, sợ hãi, buồn bã hay hàng loạt cảm xúc khác.

Bất kể lý do tại sao một học sinh hét lên với bạn, hãy nhớ điều quan trọng nhất là thường có một nguyên nhân cơ bản cho sự tức giận của chúng.

Những gì bạn nên và không nên làm khi học sinh hét lên

Khi bất cứ ai la lên với bạn, bản năng của chúng ta là đáp trả lại sự tức giận đó, quay lại chiến đấu và bênh vực chính mình. Tuy nhiên, khi người hét lên là học sinh, thì phương pháp đó không chỉ không phù hợp mà còn thiếu hiệu quả.

Trước khi chúng ta khám phá một số mẹo nhỏ về cách xử lý học sinh la hét, trước tiên chúng ta nên xem xét một vài chiến thuật mà bạn nên tránh.

Những việc không nên làm khi học sinh la hét

– Đừng tỏ ra tức giận: Như đã đề cập ở trên, bản năng của bạn có thể sẽ là tức giận khi bạn phải đối mặt với một học sinh đang giận dữ, nhưng điều này là phản tác dụng. Nếu bạn đáp trả lại sự tức giận của học sinh, bạn có thể khiến tình hình leo thang và thậm chí vẫn đề còn lớn hơn ngoài tầm kiểm soát của bạn.

– Đừng đưa ra tối hậu thư: Khi một học sinh la hét, bạn có thể nghĩ ra một tối hậu thư: “hãy làm theo những gì cô bảo, nếu không em sẽ…” sẽ thiết lập lại quyền kiểm soát của bạn. Tuy nhiên, giống như lúc tức giận, bạn có thể làm leo thang vấn đề một cách không cần thiết với tối hâu thư đó. Đặc biệt là khi học sinh đáp lại “cô không có quyền bắt em làm điều gì hết”.

– Đừng cố gắng lý luận với chúng. Mặc dù điều này có vẻ như là một phương pháp thông minh và chân thành, nhưng rất có thể bạn sẽ kết thúc bằng việc lời qua tiếng lại với học sinh và chẳng đi tới đâu. Bạn sẽ làm lãng phí cả thời gian và công sức của mình mà không thành công.

Vậy phải làm gì khi học sinh la hét?

Bạn đã biết không nên làm gì, bây giờ hãy xem xét một vài điều mà bạn nên làm khi tiếp xúc với học sinh đang la hét.

– Giữ bình tĩnh. Việc nổi giận chỉ khiến cho học sinh của bạn giận dữ hơn, vì vậy cho dù hành vi của học sinh có làm cho bạn khó chịu đến đâu cũng phải giữ bình tĩnh. Bằng cách giữ được bình tĩnh, bạn có thể đảm bảo rằng bạn sẽ là người kiểm soát.

– Đánh giá tình hình. Quan sát những gì đang xảy ra trong lớp và đánh giá tình hình trước khi hành động. Là học sinh hành động một mình hay cùng những học sinh khác? Bạn có xác định được nguyên nhân gây ra những hành vi của chúng? Câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ giúp bạn xử lý được tình huống.

– Phản hồi. Thay vì phản ứng với tình huống đó, bạn nên phản hồi lại. Phản ứng có nghĩa là bạn hành động mà không cần suy nghĩ. Phản hồi thì yêu cầu bạn đánh giá tình hình (mà bạn đã làm trước đó) và chọn hành động một cách có tính toán. Theo tiến sĩ Matt James, một phản hồi “ xem xét hiệu quả lâu dài và phù hợp với các giá trị cốt lõi của bạn”

– Hoặc chẳng làm gì. Đôi khi phản hồi tốt nhất có lẽ là không làm gì cả. Điều đó không có nghĩa là để học sinh bỏ đi với hành động của mình. Nếu học sinh thô lỗ, thiếu tôn trọng và làm gián đoạn việc học sẽ gây ra hậu quả, nhưng bạn không cần phải ép buộc chúng ngay lúc đó. Hãy cho chúng thời gian để tỉnh táo lại trước khi bạn bàn về tình hình và quyết định cách để chúng chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

– Nói chuyện với chúng. Bạn gặp học sinh của mình hàng ngày, vì thế nếu một trong số chúng làm như vậy, bạn nên nói chuyện với chúng và tìm ra lý do vì sao chúng tức giận. Tuy nhiên, đừng nói chuyện khi chúng đang tức giận, và cũng đừng làm chúng xấu hổ trước lớp mà hãy chờ cho tới khi chúng bình tĩnh lại và sẵn sàng nói chuyện trước khi bạn tiếp cận được chúng.

Đối phó với một học sinh quậy phá có thể rất nhiều thử thách và sai sót. Nếu một chiến thuật không hiệu quả, hãy thử một chiến thuật khác. Ngoài ra, vì mỗi phương pháp hiệu quả với học sinh này, nhưng có thể không hiệu quả với học sinh khác. Và nếu học sinh của bạn có vấn đề về kiểm soát nỗi tức giận hoặc rối loạn tức giận, ban giám hiệu và các bậc cha mẹ cũng nên tham gia đảm bảo cho mọi người cùng đồng lòng khi phản hồi với cơn giận dữ.

Càng quen với học sinh của mình, bạn sẽ không chỉ được trang bị tốt hơn để giải quyết sự quậy phá của chúng mà cũng có thể xác định được lý do tại sao chúng lại quậy phá ngay từ đầu. Và sau đó tất cả đều có thể quay trở lại công việc của mình.

Melissa Kreindel

Nguyễn Thị Mai – TGD dịch